Mỹ đề nghị Ấn Độ không cho tàu hàng Nga cập cảng, New Delhi thẳng thừng từ chối
Ấn Độ từ chối đề nghị của Tổng lãnh sự Mỹ về việc không cho tàu hàng Nga cập cảng, nhấn mạnh đây là vấn đề New Delhi có thể tự quyết định.
Theo Economic Times, hồi tháng trước, Tổng lãnh sự Mỹ tại Mumbai gửi thư cho cơ quan quản lý cảng của thành phố này, đề nghị giới chức Ấn Độ không cho phép các tàu hàng của Nga cập cảng do Washington đang áp cấm vận nhằm vào Moskva.
Cơ quan quản lý cảng Mumbai sau đó đệ đơn yêu cầu Tổng vụ Hàng hải Ấn Độ và Bộ Ngoại giao Ấn Độ hướng dẫn cách giải quyết.
Trước vấn đề này, Bộ Ngoại giao Ấn Độ bác đề nghị từ phía Mỹ, nhấn mạnh đây là quyền chủ quyền của New Delhi trong quan hệ với các đối tác toàn cầu dựa trên lợi ích quốc gia.
Sau tuyên bố từ cơ quan ngoại giao Ấn Độ, Tổng lãnh sự Mỹ lại khẳng định đề nghị trên chỉ là các trao đổi mang tính chất cá nhân.
"Có vẻ như chính quyền Biden đã thay đổi chiến thuật khi gây sức ép với Ấn Độ. Thay vì nói chuyện trực tiếp với New Delhi, lãnh sự quán Mỹ tại Mumbai lại viết thư cho Cảng vụ Mumbai để ngăn không cho tàu Nga cập cảng", ông Derek J. Grossman - chuyên gia cao cấp Trung tâm chính sách Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Tập đoàn RAND bình luận.
Không chỉ là nhà nhập khẩu dầu thô lớn của Moskva, Ấn Độ đang muốn mở rộng hiện diện tại các mỏ dầu ở vùng Viễn Đông của Nga.
Doanh số xuất khẩu dầu của Nga sang Ấn Độ tăng lên ít nhất 50 lần trong 3 tháng qua, hiện chiếm 10% tổng lượng dầu nhập khẩu của quốc gia này. Các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây tạo cơ hội cho các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ tăng mua dầu của Nga với giá chiết khấu.
Ấn Độ - nước tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới bị phương Tây chỉ trích vì không tham gia cấm vận mà vẫn tiếp tục mua dầu của Nga. Tuy nhiên, New Delhi bác bỏ các chỉ trích, nhấn mạnh các mặt hàng nhập khẩu đó chỉ chiếm một phần nhỏ so với nhu cầu tổng thể của đất nước.
Hồi tháng 5, Bộ Dầu mỏ Ấn Độ cho biết năng lượng mua từ Nga vẫn rất nhỏ so với tổng mức tiêu thụ của nước này.
Chính phủ Ấn Độ kêu gọi một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột ở Ukraine, không áp đặt bất kỳ biện pháp trừng phạt nào đối với Nga. New Delhi cũng bỏ phiếu trắng trong một cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng 3 nhằm lên án chiến dịch quân sự của Moskva.