Mỹ gia hạn cho Huawei được mua hàng Mỹ thêm 3 tháng
Chính phủ Mỹ cho Huawei được tiếp tục mua linh kiện và công nghệ Mỹ để cung cấp cho khách hàng cũ...
Chính phủ Mỹ ngày 19/8 tuyên bố gia hạn giấy phép chung tạm thời cho phép hãng công nghệ Trung Quốc Huawei được tiếp tục mua linh kiện và công nghệ Mỹ để cung cấp cho khách hàng cũ.
Tuy nhiên, theo tin từ Reuters, Bộ Thương mại Mỹ cũng bổ sung thêm hàng chục công ty con của Huawei vào "danh sách đen".
Đợt gia hạn này kéo dài 90 ngày, bắt đầu từ ngày 19/8 và kéo dài đến ngày 19/11, theo Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross.
Giá cổ phiếu của các hãng sản xuất con chip Mỹ vốn là nhà cung cấp của Huawei, như Qualcomm, Intel và Micron, đồng loạt tăng sau quyết định trên.
Tuyên bố từ Washington nói rằng việc gia hạn "nhằm giúp người tiêu dùng trên khắp nước Mỹ có đủ thời gian cần thiết để dịch chuyển khỏi thiết bị Huawei, xét đến nguy cơ dai dẳng về an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại".
"Trong khi tiếp tục kêu gọi người tiêu dùng dịch chuyển khỏi các sản phẩm của Huawei, chúng tôi nhận thấy rằng cần phải có thêm thời gian để ngăn chặn bất kỳ sự gián đoạn nào", ông Ross nói.
Trong một tuyên bố, Huawei nói sự gia hạn của Mỹ "không làm thay đổi sự thật rằng Huawei bị đối xử bất công. Quyết định ngày hôm nay sẽ không có tác động lớn nào đến hoạt động kinh doanh của Huawei theo bất kỳ chiều hướng nào".
Giữa thương chiến với Trung Quốc, chính quyền ông Trump hồi tháng 5 đưa Huawei vào "danh sách đen", đồng nghĩa ra lệnh cấm bán linh kiện và công nghệ Mỹ cho Huawei - một động thái được xem là nhằm "triệt hạ" công ty đại diện cho sức mạnh công nghệ đang lên của Trung Quốc.
Tiếp đó, Washington cho phép Huawei trong thời hạn 90 ngày được tiếp tục mua linh kiện và công nghệ Mỹ để đáp ứng các mạng và thiết bị đã bán cho khách hàng, nhưng không được dùng cho việc sản xuất sản phẩm mới. Giấy phép chung tạm thời này hết hiệu lực vào ngày 19/8 nếu Chính phủ Mỹ không gia hạn.
Cũng trong tuyên bố ngày 19/8, Bộ Thương mại Mỹ đưa thêm 46 công ty con của Huawei vào bản "danh sách đen" những thực thể bị cấm hợp tác với doanh nghiệp Mỹ.
Như vậy, đến thời điểm này đã có hơn 100 công ty con và đơn vị trực thuộc Huawei bị đưa vào danh sách này. Trong số đó có các chi nhánh của Huawei ở Argentina, Australia, Belarus, Trung Quốc, Costa Rica, Pháp, Ấn Độ, Italy, Mexico và nhiều quốc gia khác.
Huawei phản đối quyết định của Mỹ, nói rằng "rõ ràng động thái này, đưa ra vào thời điểm này, có động cơ chính trị và chẳng liên quan gì đến vấn đề an ninh quốc gia".
Theo Reuters, ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ đã vận động hành lang mạnh mẽ để được tiếp tục cung cấp cho Huawei những mặt hàng mà "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc này có thể dễ dàng mua được từ các quốc gia khác. Các hãng sản xuất con chip Mỹ lập luận rằng một lệnh cấm hoàn toàn của Washington sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp Mỹ.
Trong số 70 tỷ USD mà Huawei chi để mua công nghệ và linh kiện trong năm 2018, có 11 tỷ USD chảy vào các công ty Mỹ.
Với các biện pháp hạn chế hiện tại của Mỹ, Huawei - nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và smartphone lớn thứ nhì thế giới - vẫn bị cấm mua linh kiện và công nghệ Mỹ để sản xuất các sản phẩm mới nếu không có giấy phép bổ sung đặc biệt.
Nhiều nhà cung cấp Mỹ của Huawei đã nộp đơn lên Bộ Thương mại Mỹ để xin cấp giấy phép giấy phép đặc biệt, nhưng Bộ trưởng Ross ngày 19/8 nói rằng chưa có giấy phép nào như vậy được cấp.