Mỹ nghệ tăng giá trị cho sản phẩm trầm hương
Trên địa bàn xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, ngoài nghề xoi trầm, sản xuất trầm mỹ nghệ cũng được phát triển mạnh.
Nhờ hiệu quả kinh tế mà nó mang lại, nghề ngày đã thu hút được nhiều người đầu tư vào phát triển, nhân rộng sản xuất.
Hiện nay, làng nghề xoi trầm hương ở xã Vạn Thắng có khoảng 400 hộ với hơn 1.000 lao động làm nghề. Đây là nghề cha truyền con nối, đến nay đã hơn 100 năm. Trước đây, các hộ làng nghề chủ yếu làm gia công sản phẩm nên đầu ra bấp bênh. Những năm gần đây, nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên làng nghề đã chế tác ra nhiều dòng sản phẩm rất tinh xảo và mang lại giá trị kinh tế cao.
Ông Trần Công Đức, Giám đốc Hợp tác xã Trầm hương Vạn Thắng cho biết, sau dịch COVID-19 ở hợp tác xã phát triển thêm việc sản xuất trầm mỹ nghệ nhằm giải quyết nguyên liệu tồn đọng và tạo việc làm cho các thành viên trong hợp tác xã. Đây là hướng đi mới để nâng cao giá trị trầm hương và đảm bảo được yêu cầu thu nhập.
Trầm cảnh mỹ nghệ của Hợp tác xã Trầm hương Vạn Thắng có thành phần 100% là cây dó bầu, có 2 dạng chính là trầm cảnh mỹ nghệ nguyên khối và trầm cảnh mỹ nghệ ghép khối. Các khối trầm mang tính thẩm mỹ cao có màu sắc đậm, vân trầm rõ nét, hình dạng đặc thù, có mùi đặc trưng của trầm hương, không lẫn tạp mùi. Giá thành của trầm mỹ nghệ tùy thuộc theo khối trầm có màu sắc đậm, nhạt, mùi mà từ 3 -5 triệu đồng/kg.
Làm nghề trầm phải trải qua nhiều công đoạn gồm: Phá xác, đẽo, gạn, tỉa trầm, ghép trầm mỹ nghệ, các công đoạn đều rất quan trọng. Chỉ cần làm hỏng một công đoạn chất lượng sẽ giảm nên người làm đòi hỏi phải cẩn thận. Căn cứ vào tay nghề để các chủ cơ sở trả lương hợp lý cho từng lao động. Nghề làm trầm mỹ nghệ hiện nay đang thực sự thu hút nhiều thế hệ tham gia.
Ông Đức chia sẻ thêm: Để làm trầm mỹ nghệ thành công, thợ làm phải có thẩm mỹ cao, làm sao ghép các mảnh trầm rời rạc thành một khối trầm có hình thù đặc biệt, giữ các nét hồn túy của cây trầm. Còn đối với trầm nguyên khối mỹ nghệ, cần gọt đẽo, tạo hình theo vị trí có trầm, làm sao để trầm giữ được thế, không dễ bị hư hỏng, gãy đổ do các tác động nhẹ bên ngoài.
Để làm được nghề, đầu tiên người làm nghề cần phải thực hiện tốt công việc xoi trầm. Từ việc xoi trầm sẽ làm quen với việc màu sắc tương đồng giữa các miếng trầm và có ý tưởng tạo hình cho khối trầm. Khi vá trầm lại với nhau đảm bảo khách hàng không thể nhìn thấy các mối vá. Thông thường, để làm được điều này, thợ làm trầm thường phải có tuổi nghề từ 5 năm trở lên.
Anh Nguyễn Minh Vương, thôn Phú Hội 1, xã Vạn Thắng cho hay, khi có dịch COVID-19, anh trở về làm nghề xoi trầm cùng với gia đình và học cách làm trầm mỹ nghệ. Trước mắt, anh vẫn đang cố gắng nỗ lực học tập cách xoi trầm miếng đẹp, hoàn hảo trước khi đưa cho thợ chính ghép trầm mỹ nghệ. Thu nhập hơn 12 triệu đồng/tháng, ổn định hơn so với công việc đi theo làm công trình xây dựng trước kia.
Anh Vương khẳng định, nghề xoi trầm ở địa phương anh ngày càng phát triển với 3 dòng sản phẩm là trầm nguyên liệu, trầm mỹ nghệ và hương trầm. Các sản phẩm ngày càng được chế tác tinh xảo, đẹp mắt và mang giá trị cao, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Tương lai, bản thân của anh sẽ làm nên những tác phẩm trầm mỹ nghệ có giá trị.
Tuy nhiên, để có đầu ra và tạo sự ổn định cho nghề trầm mỹ nghệ trong thời điểm kinh tế - xã hội phục hồi sau dịch COVID-19 như hiện nay cũng là điều trăn trở của các thợ làm nghề trầm mỹ nghệ.
Ông Dương Trung, có 30 năm kinh nghiệm làm trong nghề trầm hương mong muốn để trầm hương ở Vạn Thắng nói chung, trầm mỹ nghệ nói riêng phát triển giá trị, cần các ngành chức năng đầu tư và hỗ trợ phát triển loại hình du lịch gắn với làng nghề. Từ đó, giúp người dân làng nghề gìn giữ, mở rộng và phát huy giá trị của sản phẩm trầm hương, tạo đầu ra cho sản phẩm, giúp sản phẩm của địa phương được quảng bá đi nhiều nơi trên thế giới
Theo UBND huyện Vạn Ninh, cùng với việc công nhận làng nghề, hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, nghề xoi trầm hương ở thôn Phú Hội 1 (xã Vạn Thắng, Vạn Ninh) sẽ được hỗ trợ phát triển gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.
Theo đó, toàn bộ quá trình chế tác trầm, tạo ra các sản phẩm từ trầm hương, những câu chuyện về làng nghề, những người làm nghề sẽ được tái hiện, mô phỏng, thực hiện để người dân và du khách có cái nhìn đầy đủ nhất về nghề chế tác trầm và các sản phẩm đặc sắc của xứ sở trầm hương.
Những năm qua, để phát triển nghề trầm hương, tỉnh Khánh Hòa đã hỗ trợ kinh phí khoảng 4 tỷ đồng để xây dựng nhà trưng bày, nhà chế tác. Tại đây, có trên 10 sản phẩm được làm từ trầm hương, sản phẩm trầm hương đã được công nhận đạt OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) 3 sao; trong đó, các sản phẩm trầm mỹ nghệ. Trầm hương của Khánh Hòa đã xuất khẩu cho nhiều thị trường nước ngoài như: Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ và các nước Đông Nam Á./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/my-nghe-tang-gia-tri-cho-san-pham-tram-huong/291917.html