Mỹ, Nhật mạnh tay ngăn hành vi thao túng giá, giao dịch nội gián
Nhiều nước trên thế giới đang tìm cách siết chặt quy định nhằm ngăn chặn các hành vi thao túng giá, giao dịch nội gián ngày càng tinh vi, làm tổn hại thị trường và nhà đầu tư.
Theo Wall Street Journal, trong một thị trường lành mạnh, các nguồn lực chảy đến nơi tạo ra lợi nhuận tốt nhất. Người lao động chuyển đến những thành phố có nhiều triển vọng việc làm. Dòng vốn đổ vào các công ty có khả năng tăng trưởng mạnh mẽ.
Nhưng với tầm ảnh hưởng và lượng vốn lớn, một số doanh nhân có thể bóp méo thị trường tự do thông qua những hành vi thao túng thị trường, nhất là khi số lượng nhà đầu tư nhỏ lẻ đang tăng lên.
Tại nhiều nơi trên thế giới, thao túng thị trường cũng được coi là một trong những hành vi sai trái nghiêm trọng nhất trong đạo luật về tài chính.
Ở Mỹ, Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) cũng đang cân nhắc hệ thống quy định chặt chẽ hơn để đảm bảo rằng các CEO và thành viên công ty không vi phạm quy tắc giao dịch nội gián và lũng đoạn thị trường.
Lũng đoạn thị trường và giao dịch nội gián
Tuần trước, theo Nikkei Asian Review, lần đầu tiên một công ty chứng khoán lớn của Nhật Bản bị buộc tội thao túng thị trường. Trong Đạo luật về Công ty tài chính và Hối đoái của nước này, đây là hành vi sai trái nghiêm trọng nhất.
Cụ thể, các công tố viên Tokyo cáo buộc công ty chứng khoán SMBC Nikko Securities có các hành vi lũng đoạn thị trường. Ông Toshihiro Sato - Phó chủ tịch của công ty - đã bị bắt tạm giam, 5 lãnh đạo cấp cao khác cũng bị truy tố.
Các công tố viên đã quyết định đưa ra cáo buộc với toàn bộ công ty vì "tham gia một cách có hệ thống vào những giao dịch cổ phiếu bất hợp pháp, làm tổn hại đến sự công bằng của thị trường".
Luật về thao túng thị trường của Nhật Bản cho phép phạt cả cá nhân và tập đoàn. Theo các công tố viên, SMBC Nikko không thực hiện đầy đủ những biện pháp phòng ngừa đối với hành vi bất hợp pháp của nhân viên, dẫn đến các giao dịch bất hợp pháp.
Theo điều khoản "trách nhiệm kép", công ty có thể bị buộc tội cùng với nhân viên nếu người này thực hiện hành vi phạm tội thông qua hoạt động của công ty.
Nếu bị phát hiện phải chịu trách nhiệm hình sự, công ty sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 700 triệu yen (5,77 triệu USD).
Tháng 9 năm ngoái, SEC buộc tội 3 công ty của tỷ phú Trung Quốc Quách Văn Quý là GTV Media Group, Saraca Media Group và Voice of Guo Media. Ba công ty bị buộc tội chào bán trái phép chứng khoán và tài sản kỹ thuật số cho hàng nghìn nhà đầu tư. Ba công ty đã đồng ý trả 539 triệu USD để giải quyết các cáo buộc của SEC.
Một vụ giao dịch nội gián trái phép là hồi năm 2001, nữ doanh nhân Martha Stewart đã bán toàn bộ cổ phần tại công ty sinh học ImClone. Chỉ 2 ngày sau, giá cổ phiếu của công ty lao dốc 16% sau thông báo rằng Cục Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) không phê duyệt sản phẩm chính của ImClone.
Nhờ bán sớm cổ phần, bà Stewart đã tránh được khoảng lỗ gần 46.000 USD. Ông Sam Waksal - Giám đốc điều hành ImClone vào thời điểm đó - cũng bán 5 triệu USD cổ phần tại công ty trước khi công bố thông tin.
Ông Waksal sau đó đã bị kết án 87 tháng tù giam và phạt 3 triệu USD. Còn bà Stewart nhận án phạt 10 tháng tù giam và 30.000 USD.
Xử lý nghiêm
Tỷ phú Elon Musk - CEO hãng xe điện Tesla - cũng từng gánh hậu quả vì hành vi thao túng thị trường.
Hồi năm 2018, SEC đã phạt nặng ông Musk và yêu cầu ông từ bỏ vị trí chủ tịch Tesla. Nguyên nhân là ông đăng tải lên Twitter bài đăng với ngụ ý mua lại toàn bộ cổ phiếu và biến Tesla thành một công ty tư nhân.
SEC cáo buộc động thái của Musk là đưa ra tuyên bố "sai sự thật và gây hiểu lầm". "Khi các công ty và người thuộc công ty đưa ra tuyên bố, họ cần hành động có trách nhiệm, đảm bảo những tuyên bố đó không sai lệch, gây hiểu lầm, hoặc bỏ sót thông tin mà nhà đầu tư có thể coi là quan trọng trong việc đưa ra quyết định đầu tư", Chủ tịch SEC thời điểm đó Jay Clayton nhấn mạnh.
Vụ việc sau đó được giải quyết với số tiền 40 triệu USD và những thay đổi trong quản trị của công ty. Cùng với đó là một thỏa thuận yêu cầu bất cứ dòng tweet nào CEO Tesla đăng lên đều phải được phê duyệt trước.
"Chúng ta đang phải đối mặt với một tình huống khó xử về mặt đạo đức giữa tự do ngôn luận và bảo vệ các nhà đầu tư", Wall Street Journal dẫn lời nhà nghiên cứu Lennart Ante nhận định.
Ở thời điểm hiện tại, tại Mỹ, để tránh những cáo buộc giao dịch nội gián, các CEO cần tuyên bố trước thời điểm và kế hoạch mua bán cổ phiếu trong tương lai. Tuy nhiên, Chủ tịch SEC Gary Gensler vẫn lo ngại rằng những quy định hiện tại "là không đủ".
Theo những quy định mới được đề xuất, các lãnh đạo và giám đốc công ty cần báo trước 120 ngày đối với bất cứ thay đổi hoặc kế hoạch quản lý danh mục đầu tư mới nào. Với những công ty kinh doanh cổ phiếu của chính mình, khoảng thời gian cần thiết là 30 ngày.
"Vấn đề cốt lõi là các cá nhân này thường xuyên nắm những thông tin quan trọng mà công chúng không có. Vậy làm cách nào để họ có thể bán và mua cổ phiếu theo cách công bằng với thị trường", chủ tịch SEC đặt câu hỏi.
Theo chuyên gia Michelle Leder của Bloomberg, ngay cả với những nỗ lực bịt lỗ hổng pháp lý của SEC, nếu biết công ty sắp thực hiện một thương vụ lớn hoặc công bố tin xấu, các giám đốc điều hành vẫn có thể thiết kế trước những kế hoạch mua bán cổ phiếu để tránh cáo buộc giao dịch nội gián bất hợp pháp.
"Từ lâu tôi đã cho rằng việc tiết lộ càng nhiều, càng rõ ràng sẽ mang lại lợi ích cho nhà đầu tư. Các đề xuất mới là một bước đi đúng hướng, nhưng vẫn không cung cấp đầy đủ những thông tin quan trọng cho nhà đầu tư nhỏ lẻ", bà nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, Điều 12, Luật Chứng khoán 2019 đã quy định rõ ràng các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán, bao gồm sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng để thực hiện việc mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán để thao túng giá chứng khoán; kết hợp hoặc sử dụng các phương pháp giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để thao túng giá chứng khoán.