Mỹ quyết liệt cấm cửa TikTok
Những động thái cấm TikTok trên các thiết bị của chính phủ Mỹ ngày càng sôi nổi, sau khi giám đốc FBI từng cho rằng ứng dụng này đe dọa đến an ninh quốc gia.
Tháng trước, Quốc hội Mỹ đã cấm sử dụng TikTok trên tất cả thiết bị của chính phủ liên bang, đặt thêm sức ép với công ty này trong việc hoạt động tại Mỹ.
Tính đến nay, sau lệnh cấm từ Quốc hội Mỹ, đã có hơn 20 bang ở nước này ban hành lệnh cấm. Các bang cho biết đã cập nhật nội quy, cấm viên chức tiểu bang dùng những thiết bị của chính phủ để truy cập vào các ứng dụng từ Trung Quốc, “ngoài mục đích thực thi pháp luật”, theo Reuters.
Một vài bang như Wisconsin và New Jersey còn ra lệnh cấm rộng hơn, nhắm vào các công ty Trung Quốc như Huawei, ZTE, và Tencent.
Về phía TikTok, công ty cho biết họ “thất vọng vì nhiều bang đã ban hành chính sách không giúp ích cho việc thúc đẩy an ninh mạng, và dựa trên những thông tin vô căn cứ về TikTok".
Nhiều năm qua, giới lập pháp Mỹ lo ngại ByteDance, công ty mẹ của TikTok, có thể khai thác dữ liệu người dùng ở Mỹ và gửi về Trung Quốc.
Tranh cãi kéo dài
Việc mở rộng giám sát TikTok bắt đầu vào năm 2019, với những cuộc điều tra của Ủy ban Đầu tư Nước ngoài vào Mỹ (CFIUS), cơ quan xem xét các giao dịch đầu tư nước ngoài. CFIUS cũng từng chặn một số vụ mua lại giá trị lớn từ các công ty Trung Quốc.
Vào năm 2020, cựu Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp yêu cầu TikTok bán cho một công ty Mỹ trong 45 ngày. Sắc lệnh đã bị giữ lại tại tòa án, và ông Trump đã rời nhiệm sở trước khi có phán quyết cuối cùng.
Khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, ông đã thu hồi sắc lệnh trên, thay bằng lệnh mới yêu cầu tăng cường kiểm soát dữ liệu riêng tư trên các nền tảng mạng xã hội, nhưng ban đầu không nhắc cụ thể đến TikTok.
Đến tháng 11/2022, Giám đốc FBI Christopher Wray nói rằng TikTok có thể đe dọa đến an ninh quốc gia, và có rủi ro bị Trung Quốc khai thác dữ liệu.
Một tháng sau đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật liên bang cấm TikTok trên các thiết bị chính phủ và được ông Biden ký thành luật.
Động thái của Mỹ có làm giảm lo ngại?
Chi tiết các cuộc đàm phán giữa TikTok và SCFIUS là bí mật, song chuyên gia cho rằng có thể mang đến 3 kịch bản, theo Council of Foreign Relation.
Thứ nhất là một thỏa thuận với Quốc hội Mỹ. TikTok và Mỹ có thể tìm tiếng nói chung nếu ByteDance đáp ứng những điều kiện của CFIUS, bao gồm yêu cầu báo cáo, tuân thủ quy định của chính phủ Mỹ, cũng như hạn chế truy cập vào dữ liệu của Mỹ.
TikTok đã đồng ý chuyển dữ liệu người dùng tại Mỹ đến máy chủ ở Texas do công ty Oracle quản lý.
Tuy vậy, Adam Segal, Giám đốc chương trình Chính sách Không gian mạng và Kỹ thuật số của Hội đồng Quan hệ Quốc tế, nói rằng việc đặt vị trí thực tế ở đâu không quan trọng, khi dữ liệu vẫn có thể truy cập được từ Trung Quốc.
Thứ hai là thoái vốn, CFIUS cũng có thể ủy quyền bán TikTok cho một công ty Mỹ, như cách cựu Tổng thống Trump đã dùng sắc lệnh hành pháp.
Tuy vậy, các quan chức lo rằng các quy định thoái vốn có thể bị tòa án chặn lại, và việc bán TikTok cũng phải cần quan chức Trung Quốc chấp thuận. Bắc Kinh đã khẳng định rằng thuật toán độc quyền của ứng dụng này phải tuân theo quy định kiểm soát xuất khẩu của đất nước.
Cuối cùng là một lệnh cấm hoàn toàn. Nếu Quốc hội Mỹ nhất trí cấm hoàn toàn việc sử dụng TikTok tại Mỹ, Tổng thống Biden sẽ không có nhiều lựa chọn ngoài việc đồng thuận, ông Segal nói.
Giới phê bình nói gì?
Trong khi đó, một số nhà phê bình cho rằng TikTok thu thập dữ liệu không hơn các nền tảng mạng xã hội của Mỹ, và Trung Quốc có nhiều giải pháp hiệu quả hơn nếu muốn đe dọa đến an ninh quốc gia như phía Mỹ lo ngại.
Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc vẫn có thể mua dữ liệu người dùng trên thị trường mở, thông qua các bên trung gian, mà không nhất thiết phải dựa vào TikTok.
Một nghiên cứu từ Dự án Quản trị Internet của Georgia Tech nói rằng TikTok không kiểm duyệt nội dung của Mỹ, và mối lo từ việc thu thập dữ liệu cũng không khác gì các công ty mạng xã hội khác.
Những quốc gia nào đang đặt TikTok vào "vòng kiểm soát"?
Một số chính phủ đã hạn chế truy cập hoặc xem xét ứng dụng này. Trong bối cảnh có những cuộc điều tra rộng rãi nhắm vào chính sách dữ liệu từ các công ty mạng xã hội, Ủy ban châu Âu đang theo đuổi nhiều cuộc điều tra về việc TikTok có tuân thủ luật bảo mật dữ liệu của Liên minh châu Âu (EU) hay không.
Trong khi đó, Ấn Độ đã cấm hoàn toàn TikTok, cùng khoảng 300 ứng dụng khác của Trung Quốc, với lo ngại về an ninh quốc gia.
Một số nước Hồi giáo như Indonesia và Bangladesh đã cấm TikTok với lo ngại lan truyền nội dung “không phù hợp”.
Các nước phương Tây vẫn đang cho phép ứng dụng này hoạt động, nhưng dưới sự kiểm soát chặt chẽ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/my-quyet-liet-cam-cua-tiktok-post1393824.html