Mỹ tài trợ dự án minh bạch nguồn nước các đập Trung Quốc trên sông Mekong
Dự án do Washington tài trợ giúp giám sát nguồn nước sông Mekong được dự đoán sẽ làm gia tăng căng thẳng Mỹ-Trung cũng như cạnh tranh chiến lược tại khu vực.
Mekong Dam Monitor là một nền tảng trực tuyến mã nguồn mở do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ một phần cùng các nguồn tài trợ bổ sung từ Quỹ Chino Cienega và một số cá nhân.
Nhờ sử dụng dữ liệu viễn thám và hình ảnh vệ tinh, dự án này hứa hẹn sẽ cung cấp thông tin cập nhật hàng tuần về mực nước của các hồ chứa tại 13 đập dọc theo dòng chính sông Mekong cũng như 15 đập phụ có công suất phát điện trên 200MW.
Một trong những mục tiêu của Mekong Dam Monitor là cung cấp hình ảnh và phân tích hàng tuần về 11 đập thủy điện của Trung Quốc trên dòng chính sông Mekong cũng như bản đồ, dữ liệu về nhiệt độ, lượng mưa và các chỉ số khác dọc toàn bộ dòng sông.
Theo ông Brian Eyler tới từ Tổ chức Stimson Center có trụ sở ở Washington, dự án này sẽ cung cấp bằng chứng cho thấy các đập thủy điện của Trung Quốc đang được điều phối một cách tinh vi và vận hành theo cách tối đa hóa sản lượng thủy điện các tỉnh phía đông Trung Quốc mà không hề quan tâm tới ảnh hưởng ở hạ lưu.
Mekong Dam Monitor ra đời trong bối cảnh các nước dọc khu vực sông Mekong nhiều năm qua thất vọng về sự thiếu minh bạch của Trung Quốc trong việc chia sẻ thông tin.
Vào ngày 15/12, dự án này sẽ chính thức ra mặt trong một sự kiện trực tuyến. Tại đây, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương, ông David Stilwell sẽ có bài phát biểu quan trọng. Chỉ vài tuần trước, Trung Quốc khởi động một sáng kiến tương tự mà theo Bắc Kinh khẳng định là để thể hiện "thiện chí và sự chân thành của Trung Quốc với tư cách là một nước láng giềng thượng nguồn có trách nhiệm".
Lúc trước, Bắc Kinh chỉ công khai thông tin về mùa lũ. Nhưng mới đây, Bắc Kinh cam kết sẽ chia sẻ dữ liệu thủy văn quanh năm sau khi công bố Nền tảng chia sẻ thông tin hợp tác tài nguyên nước Mekong - Lan Thương hồi tháng 11.
Trên trang web dự án, Mekong Dam Monitor sẽ tìm cách "chống lại các tuyên bố không chính xác về tình trạng và hoạt động của các đập, hồ chứa và dòng nước trên lưu vực sông Mekong" với sự giám sát liên tục, minh bạch và dựa trên bằng chứng.
"Ngược lại, nền tảng chia sẻ thông của Trung Quốc chỉ cung cấp thông tin cập nhật không thường xuyên từ các con đập của Trung Quốc gần biên giới với Thái Lan. Tình trạng vận hành của 11 đập trên thượng nguồn Mekong, bao gồm dữ liệu về tình trạng hồ chứa ở thượng nguồn, sự sẵn có của dòng nước vẫn được giữ bí mật", ông Eyler cho hay.
Vị chuyên gia này cũng khẳng định còn quá sớm để nói nền tảng của Trung Quốc có đưa ra dự báo đáng tin cậy và cảnh báo sớm về lũ lụt và hạn hán như Bắc Kinh hứa hẹn vào tháng trước không.
Sông Mekong, có chiều dài 4.350 km, chảy từ cao nguyên Tây Tạng của Trung Quốc qua biên giới các nước Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đang trở thành tâm điểm cạnh tranh Mỹ-Trung vài năm lại đây.
Các đập thủy điện trên sông Mekong tác động tới nguồn lợi thủy sản, nông nghiệp, sinh kế của 60 triệu dân sinh sống ven sông.
Trong nhiều năm qua, các chuyên gia cáo buộc các đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán và lũ lụt trong khu vực. Bắc Kinh một mực phủ nhận các cáo buộc này.
Hồi tháng 4, báo cáo do công ty nghiên cứu và tư vấn Eyes on Earth (Mỹ) công bố cho biết dựa trên 11 đập thủy điện của Trung Quốc đã giữ nước ở mức cao hơn bình thường vào thời điểm mực nước ở hạ nguồn Mekong rút xuống mức thấp nhất trong vòng 50 năm.
Bắc Kinh tiếp tục phản bác báo cáo trên, đồng thời cam kết sẽ tìm mọi cách đảm bảo xả nước ở mức hợp lý cho các nước ở lưu vực hạ lưu sông Mekong.
Alan Basist, tác giả chính của báo cáo cho biết trong trung hạn, ông và các đồng nghiệp sẽ hợp tác với nhiều tổ chức khác nhau như Ủy hội sông Mekong (MRC) để cùng quản lý các nguồn nước chung của các nước trong khu vực tiểu vùng.