Mỹ thâm hụt ngân sách đạt mức kỷ lục 1,7 nghìn tỷ USD

Chính phủ Mỹ vừa công bố mức thâm hụt ngân sách 1,695 nghìn tỷ USD trong năm tài chính 2023, tăng 23% so với năm trước do nguồn thu từ thuế sụt giảm, lãi suất tăng và nhu cầu dai dẳng về các phúc lợi cứu trợ đại dịch sắp hết hạn đã gây căng thẳng cho tài chính quốc gia.

Số liệu mới nhất của Bộ Tài chính Mỹ chỉ ra khoảng cách ngày càng lớn giữa số tiền chính phủ chi tiêu và số tiền họ kiếm được, khiến thâm hụt ngân sách tăng cao. Ảnh: Kenny Holston/Thời báo New York

Số liệu mới nhất của Bộ Tài chính Mỹ chỉ ra khoảng cách ngày càng lớn giữa số tiền chính phủ chi tiêu và số tiền họ kiếm được, khiến thâm hụt ngân sách tăng cao. Ảnh: Kenny Holston/Thời báo New York

Mức thâm hụt thực tế của năm 2023 đã tăng gấp đôi năm 2022

Số liệu mới nhất của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy, thâm hụt ngân sách liên bang là 1,7 nghìn tỷ USD vào năm 2023, tăng từ mức 1,37 nghìn tỷ USD vào năm 2022. Những con số đó khiến mức thâm hụt có vẻ thấp hơn so với thực tế năm ngoái, do dữ liệu ảo về kế toán liên quan đến chương trình xóa nợ cho sinh viên được Tổng thống Biden đề xuất.

Tuy nhiên, chương trình đó đã bị Tòa án Tối cao bác bỏ hoàn toàn vào mùa hè năm nay, nhưng Kho bạc đã ghi nhận nó là chi phí của năm 2022, khiến thâm hụt tăng cao. Sau khi tòa án hủy bỏ chương trình này, Bộ Tài chính đã ghi nhận nó là khoản tiết kiệm, giúp giảm thâm hụt năm nay một cách giả tạo.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết, mức thâm hụt ngân sách hiện tại là lớn nhất kể từ khoảng cách 2,78 nghìn tỷ USD do Covid gây ra vào năm 2021. Khoản thâm hụt xảy ra khi Tổng thống Joe Biden đang yêu cầu Quốc hội chi 100 tỷ USD cho chi tiêu an ninh và viện trợ nước ngoài mới, bao gồm 60 tỷ USD cho Ukraine và 14 tỷ USD cho Israel, cùng với tài trợ cho an ninh biên giới của Mỹ và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Các quan chức chính phủ xác nhận những tác động của khoản vay sinh viên đó đã làm thay đổi số liệu thâm hụt cho cả năm 2022 và 2023. Nếu loại bỏ khoản ngân sách nêu trên, mức thâm hụt đã tăng lên 2 nghìn tỷ USD vào năm 2023, cao hơn gấp đôi mức khoảng 1 nghìn tỷ USD của năm 2022. Nói cách khác, Bộ Tài chính giả định rằng họ đã tiết kiệm được 300 tỷ USD vào năm 2023, khi tất cả những gì họ thực sự làm chỉ là đảo ngược một khoản phí chưa từng tồn tại.

Các quan chức đã hạ thấp mức độ gia tăng trong một bản tin công bố tổng mức thâm hụt, thay vào đó tập trung vào sức mạnh của nền kinh tế và các đề xuất của ông Biden nhằm giảm thâm hụt trong tương lai, phần lớn bằng cách tăng thuế đối với những người có thu nhập cao và các tập đoàn.

Bộ trưởng Tài chính Janet L. Yellen cho biết trong thông cáo: “Chính phủ tiếp tục tập trung vào việc điều hướng quá trình chuyển đổi nền kinh tế của chúng ta sang tăng trưởng lành mạnh và bền vững. Khi chúng tôi làm như vậy, Tổng thống và tôi cũng cam kết giải quyết những thách thức đối với triển vọng tài chính dài hạn”.

Bất chấp mối lo ngại ngày càng tăng ở Washington và Phố Wall về quỹ đạo tài chính nghiệt ngã, các nhà lập pháp vẫn không thể thống nhất xung quanh các kế hoạch ban hành các biện pháp cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thuế có ý nghĩa. Khủng hoảng tại Hạ viện, khi Đảng Cộng hòa không thể bầu được người kế nhiệm ông Kevin McCarthy trong tháng này, đang ngăn cản Quốc hội thông qua bất kỳ đạo luật hoặc gói chi tiêu ngắn hạn nào.

Khoảng cách ngân sách thu - chi ngày càng lớn

Các nhà kinh tế và những người theo chủ nghĩa cứng rắn về thâm hụt ngân sách cảnh báo con đường vay mượn hiện tại là không bền vững, đặc biệt nếu lãi suất duy trì ở mức cao trong một thời gian dài.

Việc chưa bầu được Chủ tịch Hạ viện Mỹ đang cản trở Quốc hội thông qua khoản viện trợ theo yêu cầu của Tổng thống Biden. Ảnh: Kenny Holston/Thời báo New York

Việc chưa bầu được Chủ tịch Hạ viện Mỹ đang cản trở Quốc hội thông qua khoản viện trợ theo yêu cầu của Tổng thống Biden. Ảnh: Kenny Holston/Thời báo New York

Nợ quốc gia lên tới 33 nghìn tỷ USD trong năm nay và các cơ quan giám sát tài chính cảnh báo trong vòng 3 thập kỷ tới, chi phí lãi vay sẽ là khoản chi lớn nhất của quốc gia. Văn phòng Ngân sách Quốc hội dự đoán đến năm 2053, nợ liên bang do công chúng nắm giữ sẽ lên tới 177% tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ.

Chi phí lãi vay đối với khoản nợ liên bang hơn 33 nghìn tỷ USD tăng mạnh 23%, lên 879 tỷ USD, một mức kỷ lục. Theo một quan chức Bộ Tài chính, các khoản thanh toán lãi ròng, không bao gồm các khoản chuyển giao nội bộ chính phủ sang các quỹ tín thác, đã tăng 39% lên 659 tỷ USD, cũng là một kỷ lục. Quan chức này cho biết, tổng các khoản thanh toán lãi lên tới 3,28% tính theo tỷ trọng trong tổng sản phẩm quốc nội, cao nhất kể từ năm 2001 và tỷ trọng ròng ở mức 2,45% là cao nhất kể từ năm 1998.

Lãi suất đã tăng vọt trong một năm rưỡi qua khi FED tăng chi phí đi vay để làm chậm lạm phát. Chi phí lãi vay trung bình đối với khoản nợ tồn đọng của Kho bạc là 2,97% trong năm tài chính vừa qua, tăng từ mức 2,07% của năm trước.

Theo báo cáo của Kho bạc Mỹ ngày 20/10, lãi ròng của khoản nợ đã tăng lên mức kỷ lục 659 tỷ USD vào năm 2023 từ mức 475 tỷ USD vào năm ngoái. Quỹ Peterson, một cơ quan giám sát tài chính, lưu ý rằng chi phí lãi ròng dự kiến là 10,6 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới sẽ cao hơn gấp đôi so với số tiền mà Mỹ đã chi cho lãi suất trong 20 năm qua.

Kent Conrad, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng, nói với các nhà lập pháp tại phiên điều trần Quốc hội về sự cần thiết của một ủy ban tài chính mới: “Thâm hụt và nợ gia tăng là mối lo ngại về kinh tế và an ninh quốc gia”.

Thâm hụt ngân sách đã trở nên trầm trọng hơn trong năm nay vì nhiều yếu tố, bao gồm cả sự chậm trễ trong việc thu thuế do thời tiết khắc nghiệt và chi phí cao bất ngờ của một số chương trình liên bang. Ví dụ: Sở Thuế vụ (IRS) đã chi hàng tỷ Đô la tiền hoàn thuế liên quan đến tín dụng giữ chân nhân viên, một phúc lợi trong thời kỳ đại dịch gần đây đã bị tạm dừng vì lo ngại về gian lận.

Chính quyền của Tổng thống Biden đã hy vọng dựa vào IRS được tăng cường, cơ quan đã nhận được 80 tỷ USD tài trợ mới theo luật khí hậu năm ngoái, để tăng cường thu thuế. Mặc dù cơ quan này đã đạt được một số thành công ban đầu trong việc trấn áp nạn trốn thuế, nhưng cơ quan này đang phải đối mặt với nguy cơ mất khoảng 1/4 số tiền đó. Một báo cáo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội trong tuần này dự đoán, việc cắt giảm 25 tỷ USD từ ngân sách IRS sẽ khiến thâm hụt thêm hơn 24 tỷ USD.

Ông Biden đề xuất tăng thuế hơn 2 nghìn tỷ USD và các biện pháp khác để giảm thâm hụt ngân sách trong tương lai trong năm nay. Ông đã ký hai đợt tăng thuế thành luật: thuế tối thiểu đối với các tập đoàn lớn và thuế mua lại cổ phiếu. Ông cũng đã tăng nguồn tài trợ cho IRS để trấn áp các hành vi gian lận thuế và mang lại nhiều doanh thu hơn. Những biện pháp đó sẽ làm giảm thâm hụt, nhưng không đủ lớn để bù đắp mức tăng trưởng thâm hụt chung dự kiến trong những năm tới.

Một số quan chức chính quyền thừa nhận rằng, Tổng thống có thể cần phải đề xuất giảm thâm hụt sâu rộng hơn nữa - gần như chắc chắn dưới hình thức tăng thuế nhiều hơn đối với những người có thu nhập cao và các tập đoàn - trong tương lai nếu chi phí lãi vay không giảm.

Bất chấp sức mạnh tương đối của nền kinh tế Mỹ trên trường quốc tế, các vấn đề tài chính dài hạn của nước này vẫn là vấn đề khiến các nhà hoạch định chính sách kinh tế toàn cầu lo ngại.

Gita Gopinath - Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tuần trước: “Chính sách tài khóa quá lỏng lẻo vào thời điểm này. Chúng tôi cho rằng đây là lúc để củng cố tài chính và xây dựng lại bộ đệm”.

Hoàng Lê (theo The New York Times/Reuters)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/my-tham-hut-ngan-sach-dat-muc-ky-luc-17-nghin-ty-usd-138026.html