Mỹ thay đổi hải trình vào Biển Đông, Trung Quốc đau đầu đối phó
Các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ không chỉ gia tăng các chuyến đi qua Biển Đông mà hải trình, hình thức diễn tập của các nhóm tàu này cũng phức tạp, khó đoán hơn.
"Quân đội Mỹ tăng cường mạnh mẽ việc triển khai lực lượng ở Biển Đông từ năm 2021 về quy mô huấn luyện, kịch bản diễn tập", Hu Bo - giám đốc Tổ chức Sáng kiến Theo dõi Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết.
Ông Hu chỉ ra rằng, các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tiến vào Biển Đông 10 lần vào năm 2021, so với 6 lần năm 2020 và 5 lần năm 2019.
"Mô hình huấn luyện của các nhóm tàu này ngày càng phức tạp và khó đoán", ông này nói thêm.
Theo Giám đốc SCSPI, trước đây, các tàu chiến Mỹ vào Biển Đông từ Kênh Bashi nằm giữa Philippines và Đài Loan. Tuy nhiên, hải trình và thời gian hoạt động của các chiến hạm này trở nên đa dạng hơn từ năm ngoái.
Hồ sơ điều hướng và ảnh vệ tinh cho thấy các nhóm tác chiến của hải quân Mỹ có xu hướng di chuyển qua các tuyến đường thủy hẹp giữa các quần đảo của Philippines trước khi vào Biển Đông.
Trong lần huấn luyện diễn tập gần đây nhất, nhóm tác chiến tàu sân bay do USS Carl Vinson tiến vào Biển Đông qua eo biển Balabac thuộc vùng biển Philippines để hội quân với nhóm đổ bộ tấn công Essex ARG.
Các chuyên gia quốc phòng cho rằng những thay đổi này cho thấy các nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ đang tính tới các biện pháp mới để ứng phó với bất cứ tình huống nào trong khu vực, như một cuộc tấn công của Bắc Kinh và Đài Loan hoặc các tranh chấp trên Biển Đông.
Lu Li-shih, cựu giảng viên tại Học viện Hải quân Đài Loan ở Cao Hùng nhận định các nhóm tàu Mỹ đang tìm cách đối phó với chiến lược chống tiếp cận vốn được quân đội Trung Quốc để ngăn các lực lượng quân sự nước ngoài can thiệp vào vùng biển ngoài khơi đảo Đài Loan và Biển Đông.
“Tôi tin rằng hải quân Mỹ đang cố gắng thoát khỏi hệ thống radar vượt đường chân trời được bố trí trên đá Vành Khăn, đá Xu Bi và đá Chữ Thập, vốn từng được sử dụng để nhắm vào máy bay và tàu chiến Mỹ", ông Lu nói, nhắc tới các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.
Theo chuyên gia này, hải quân Mỹ đã tận dụng các đặc điểm địa lý của Philippines để tiếp cận khu vực một cách bất ngờ, ngoài dự kiến của Trung Quốc bởi hệ thống radar vượt đường chân trời gặp nhiều hạn chế khi phải giám các sát các tàu di chuyển tới từ một nhóm đảo.
Collin Koh, chuyên gia tới từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore đánh giá việc Mỹ lựa chọn các hải trình mới hoàn toàn phù hợp với khái niệm hoạt động linh hoạt hơn mà hải quân nước này nhiều lần đề cập.
“Thay vì chỉ sử dụng những tuyến đường truyền thống, việc tăng cường sử dụng các tuyến đường thay thế, ít được biết đến hơn làm giảm khả năng dự đoán về hướng di chuyển của các khí tài quân sự Mỹ. Điều này làm tăng tính linh hoạt trong hoạt động và chiến lược trong thời bình và các tình huống bất ngờ", ông Koh nhận định.