Mỹ và EU ký thỏa thuận sơ bộ mới về lưu chuyển dữ liệu
Thỏa thuận mới giữa Mỹ và EU được kỳ vọng sẽ nâng cao mức độ bảo vệ an toàn và quyền riêng tư của dữ liệu từ châu Âu, tuy vẫn còn một số nghi ngờ về pháp lý.
Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ đã công bố một thỏa thuận sơ bộ về di chuyển dữ liệu vào ngày 25/3 nhằm tìm kiếm giải pháp kết thúc rắc rối về pháp lý tại châu Âu của hàng nghìn công ty công nghệ Mỹ. Trước đó, Tòa án Công lý Liên minh Châu Âu (CJEU) đã ra phán quyết bác bỏ hai thỏa thuận về vấn đề này do lo ngại về khả năng bảo vệ dữ liệu của châu Âu tại Mỹ.
Tại buổi họp báo chung tại Brussels, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết thỏa thuận sơ bộ đã tính đến lo ngại của phía CJEU và bao gồm các điều khoản mạnh hơn về bảo vệ dữ liệu. Ông Biden cho biết: "Ngày hôm nay, chúng tôi đã đồng thuận các điều khoản chưa có tiền lệ về bảo vệ quyền riêng tư và an ninh dữ liệu cho công dân".
Bà von der Leyen cho biết: "Tôi rất vui rằng chúng tôi đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc cho một khung pháp lý mới trong vấn đề trung chuyển dữ liệu xuyên Đại Tây Dương… [Thỏa thuận này] sẽ cho phép dữ liệu di chuyển ổn định và đáng tin cậy giữa EU và Mỹ, trong khi vẫn bảo vệ quyền riêng tư và tự do dân sự”.
Một quan chức EU cho biết sẽ mất nhiều tháng để biến thỏa thuận sơ bộ thành một hiệp ước pháp lý hoàn chỉnh.
Ông Markus J. Beyrer, giám đốc nhóm vận động hành lang BusinessEurope, cho biết: “Tính chắc chắn về pháp lý trong vấn đề lưu chuyển dữ liệu sẽ giúp đổi mới, tăng trưởng và tạo thêm nhiều việc làm. Đây là một thỏa thuận cùng có lợi cho các doanh nghiệp ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương”.
Trong khi các doanh nghiệp công nghệ hoan nghênh tin tức này, nhà vận động quyền riêng tư người Áo Max Schrems đã lên tiếng phê phán sự “thiếu chi tiết” của thỏa thuận.
Ông Schrems từ lâu đã nêu bật lo ngại về nguy cơ các cơ quan tình báo Mỹ truy cập dữ liệu từ châu Âu trong vụ kiện với Facebook, dẫn đến việc CJEU hủy bỏ các thỏa thuận trước về lưu chuyển dữ liệu.
Theo ông Schrems, nếu Mỹ chỉ đưa ra đảm bảo về hành pháp thay vì thay đổi luật theo dõi và giám sát dữ liệu, ông sẽ không ngần ngại đưa đơn kiện ra tòa một lần nữa.
Luật sư Patrick Van Eecke từ hãng luật Cooley (Brussels) thì lo ngại rằng thỏa thuận có thể bị bác bỏ tiếp tại tòa án nếu các điều khoản không đủ mạnh. Ông Van Eecke nói: “Giống như lần trước, các nhà vận động quyền riêng tư có lẽ sẽ thử khiến thỏa thuận này bị CJEU bác bỏ. Phán quyết gần đây của Tòa án Tối cao Mỹ trong vụ FBI v. Fazaga cũng sẽ khiến phía Mỹ khó thuyết phục châu Âu rằng Mỹ có khả năng bảo vệ quyền riêng tư đủ mạnh”.
Tùng Phong (Theo Reuters)