Mỹ vượt Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của ASEAN

Kim ngạch xuất khẩu của các quốc gia Đông Nam Á sang Mỹ trong quý 1/2024 lần đầu tiên trong 6 quý vượt qua Trung Quốc, trong bối cảnh thương mại của khu vực này chuyển động cùng những thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Kim ngạch xuất khẩu của ASEAN sang Mỹ trong quý 1/2024 lần đầu tiên trong 6 quý vượt qua Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Kim ngạch xuất khẩu của ASEAN sang Mỹ trong quý 1/2024 lần đầu tiên trong 6 quý vượt qua Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Theo dữ liệu được hãng tin Nikkei Asia tổng hợp từ ban thư ký ASEAN, báo cáo truyền thông địa phương và số liệu chính thức từ chính phủ 10 quốc gia thành viên, tổng kim ngạch xuất khẩu của ASEAN sang Mỹ đạt 67,2 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm 2024.

Con số này vượt qua kim ngạch xuất khẩu 57 tỷ USD của khối này sang Trung Quốc và phần nào phản ảnh việc Mỹ tăng cường mua sắm chất bán dẫn và linh kiện điện tử từ ASEAN trong khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm chạp.

Về các quốc gia cụ thể, Việt Nam trong năm 2024 ghi nhận mức tăng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 24% trong năm 2024 lên ngưỡng 25,7 tỷ USD so với năm 2023, cao hơn hẳn so với con số 12,6 tỷ USD của Thái Lan và 12 tỷ USD của Singapore.

Nhận định với Nikkei Asia, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết Mỹ và Việt Nam bổ sung cho nhau. Ông nhận định: “Việt Nam xuất khẩu điện thoại thông minh, hàng điện tử, nông, lâm, thủy sản, đồ gỗ, hàng dệt may với giá cạnh tranh. Tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ còn rất lớn, mang lại lợi ích cho cả hai bên”.

Ông cũng chỉ ra tác động lan tỏa của cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung khi Washington áp mức thuế nhập khẩu cao đối với hàng hóa Trung Quốc. Ông cho biết: “Một số mặt hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ bị đánh thuế cao, làm giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường và tạo lợi thế nhất định cho sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam”.

Trong khi đó, xuất khẩu của Malaysia sang Mỹ tăng 8% so với cùng kỳ trong quý 1/2024 và xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 3,3%.

Nikkei Asia dẫn lời nhà kinh tế Intan Nadia Jalil tại CIMB Group cho biết: “Trong khi Trung Quốc vẫn là một phần không thể thiếu trong chuỗi giá trị ngành điện và điện tử, chi phí gia tăng cũng như các yếu tố như căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khiến các công ty Mỹ chuyển khỏi Trung Quốc và Malaysia trở thành một trong những quốc gia được hưởng lợi”.

Bà cũng cho biết một nguyên nhân dẫn tới xu hướng kinh tế này là sự thay đổi tiêu dùng ở Trung Quốc từ nhập khẩu sang sử dụng các linh kiện cao cấp sản xuất trong nước, ví dụ như chip.

Thái Lan cũng ghi nhận xu hướng tương tự khi xuất khẩu quý đầu tiên trong năm 2024 của quốc gia này sang Trung Quốc giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó xuất khẩu cao su tự nhiên, sản phẩm khoai mì và trái cây đều giảm. Ngược lại, xuất khẩu sang Mỹ tăng 9,8%, chủ yếu nhờ các sản phẩm nông nghiệp và nông - công nghiệp.

Nikkei Asia dẫn lời Poonpong Naiyanapakorn, Tổng Giám đốc Văn phòng Chiến lược và Chính sách Thương mại, cho biết xu hướng này chủ yếu là do nhu cầu của Trung Quốc yếu. Ông nhận định: “Dù chúng ta có thể thấy dấu hiệu phục hồi kinh tế ở Trung Quốc trong năm nay, sự phục hồi không phải là hoàn toàn và nhu cầu không mạnh lắm”. Chỉ số lạm phát tại Trung Quốc trong tháng 3 vừa qua giảm tháng thứ tư liên tiếp, báo hiệu nhu cầu có thể vẫn yếu.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/my-vuot-trung-quoc-tro-thanh-thi-truong-xuat-khau-lon-nhat-cua-asean-post35666.html