Năm 2023, Việt Nam xuất siêu nông lâm thủy sản đạt mức kỷ lục
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là về thị trường nhưng khép lại năm 2023, ngành Nông nghiệp vẫn xuất siêu đạt mức kỷ lục 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%, chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước.
Chiều 29/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) họp báo về kết quả công tác năm 2023 và nhiệm vụ giải pháp năm 2024.
Gạo và rau quả lập kỷ lục xuất khẩu
Báo cáo tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết, ngành Nông nghiệp thực hiện kế hoạch năm 2023 trong điều kiện có những thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen; trong đó, đặc biệt khó khăn về thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản... Tuy nhiên với những nỗ lực vượt bậc, toàn ngành đã đạt nhiều kết quả tích cực.
"Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là về thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản, song giá trị gia tăng toàn ngành tăng cao, ước đạt 3,83%. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0 - 3,5%; trong đó, tốc độ giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt tăng 2,0 - 2,2%; chăn nuôi là 4,0 - 5,0%; thủy sản là 3,7 - 4%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây" - ông Việt nhấn mạnh.
Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Điển hình, sản lượng lúa đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022, sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,6 triệu tấn, tăng 3,5%; sản lượng thủy sản 9,3 triệu tấn, tăng 2,9%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 53,01 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%, chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước. Có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD là rau quả; gạo; hạt điều; cà phê; tôm; gỗ và sản phẩm gỗ.
Đáng chú ý, năm 2023, rau quả và gạo "thắng đậm" chưa từng có, khi vượt qua tất cả các dự báo và mục tiêu đặt ra hồi đầu năm.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu gạo ước đạt 4,78 tỷ USD, tăng 38,4% so với năm 2022. Con số này giúp ngành gạo lập kỷ lục lịch sử về kim ngạch xuất khẩu kể từ năm 1989 (năm đầu tiên Việt Nam xuất khẩu gạo) đến nay. Cùng với gạo, năm 2023 xuất khẩu rau quả cũng chính thức lập kỷ lục mới khi đạt 5,69 tỷ USD, vượt xa con số 3,36 tỷ USD của năm 2022. Đặc biệt, xuất khẩu sầu riêng bùng nổ, thu về khoảng 2,3 tỷ USD, trở thành “trái cây tỷ đô” mới của Việt Nam, khi chinh phục được thị trường Trung Quốc.
Năm 2024 hướng đến mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 55 tỷ USD
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, những tín hiệu xuất khẩu tốt của một số ngành hàng sẽ tạo tiền để để năm 2024 ngành Nông nghiệp tăng tốc trong xuất khẩu.
Tuy nhiên, năm 2024 dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn ở mức cao; đặc biệt là tác động từ xung đột, bất ổn của thế giới. Mặc dù vậy, ngành Nông nghiệp vẫn đặt mục tiêu phát triển với các chỉ tiêu, như: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành đạt 3,0 - 3,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 54 - 55 tỷ USD.
Lần đầu tiên lĩnh vực lâm nghiệp đã hoàn thành các thủ tục để chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon cho Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới, thu về 1.200 tỷ đồng, góp phần phát triển lâm nghiệp.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, toàn ngành Nông nghiệp, nông thôn tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn; nhất là "Nông nghiệp bền vững, minh bạch và có trách nhiệm".
Ngành Nông nghiệp chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng...
Bộ NN&PTNT sẽ tập trung giải pháp chủ yếu là kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng ngành. Đồng thời, ngành Nông nghiệp phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản cả trong nước và xuất khẩu; xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu.../.