Năm 2024 ngành dệt may chuyển mình tích cực, hướng tới mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD
Dự báo nhu cầu tiêu dùng dần gia tăng, tồn kho các nước thấp dần và việc toàn ngành dệt may đang có những bước chuyển mình tích cực có thể sẽ giúp ngành dệt may mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu, có sự khởi sắc trong thời gian tới.
Trong năm 2023 vừa qua, toàn ngành dệt may đã gặp nhiều khó khăn. Kim ngạch xuất khẩu cả năm có mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, chỉ đạt khoảng 40,3 tỷ USD, tương đương với giá trị xuất khẩu của năm 2021, giảm 9,2% so với năm ngoái.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định ngành dệt may năm qua dù không đạt được doanh thu như kỳ vọng nhưng cũng không phải là không có thành tựu khi đã mở rộng xuất khẩu được tới 104 thị trường, vùng lãnh thổ.
Ngoài những thị trường trọng điểm truyền thống là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, ngành dệt may năm nay cũng xuất khẩu ổn định sang Canada, Trung Quốc, Campuchia, Anh,... và mở rộng thành công thị trường sang một số khu vực mới Châu Phi, Nga, Ấn Độ và các nước đạo Hồi…
Những thành công này đạt được đến từ việc ngành dệt may đã có nhiều nỗ lực để ‘chuyển mình’, thay đổi phù hợp với xu hướng, yêu cầu của thế giới. Tiêu biểu có thể kể đến là nỗ lực ‘xanh hóa’, phát triển sản xuất bền vững phù hợp với xu hướng chung toàn cầu. Theo đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã tích cực nghiên cứu sử dụng vật liệu hữu cơ, đầu tư hạ tầng cơ sở trong giảm phát thải nhà kính, thúc đẩy giải pháp phát triển sản phẩm có tính bền vững, chuyển đổi nồi hơi nước bằng điện thay cho đốt than, củi…
Thống kê của VITAS cho biết, ngoài những doanh nghiệp lớn như May Việt Tiến, May 10, May Bảo Minh, Đồng Tiến, Thành Công… đang có nhiều doanh nghiệp quy mô vừa như Faslink, Tsafari, Trung Quy, VitaJean… đi theo xu thế này và bước đầu “gặt hái” những thành công nhất định trong bối cảnh thị trường giảm cầu.
Không chỉ vậy, việc đầu tư phát triển công nghệ số, hoạt động truyền thông và việc một số thương hiệu thời trang Việt ngày càng tạo được tiếng vang trên thị trường cũng được cho là đang tạo ra thêm cơ hội và tiềm năng xuất khẩu cho ngành dệt may.
Trong bối cảnh hiện tại, các chuyên gia nhận định, ngành dệt may Việt Nam trong năm 2024 sẽ có thêm tiềm năng để phát triển và gia tăng xuất khẩu. Tuy nhiên cần nỗ lực hơn nữa, tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phát triển bền vững đi đôi với thích ứng mục tiêu đòi hỏi của thị trường toàn cầu về xanh hóa. Bên cạnh đó, cũng cần đầu tư vào quản trị số, kiểm soát thích ứng với ngành công nghiệp dệt may toàn cầu, thực hiện công nghệ hóa, tự động hóa ở một số dây chuyền sản xuất thích ứng giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ và chất lượng cao và tập trung giải pháp phát triển công nghiệp thời trang…
Vấn đề xây dựng thương hiệu cũng được nhắc đến như là một yếu tố để ngành dệt may Việt Nam bứt phá và “đi đường dài”. Đại diện VITAS cho rằng, điều kiện cần và đủ là phải xây dựng được chiến lược, khát vọng là xây dựng được ngành công nghiệp thời trang cho các doanh nghiệp về nhãn hiệu, thương hiệu cho tầm nhìn 2030-2045. Các thương hiệu Việt phải được bán trên các cửa hàng lớn trên toàn cầu.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận định: "Năm 2024 vẫn tiếp tục là năm thử thách với ngành dệt may Việt Nam. Vì vậy, không chủ quan trước những thuận lợi mới xuất hiện, không tự mãn nhưng cũng không buông xuôi trước khó khăn", đồng thời ông cũng lạc quan kỳ vọng năm 2024 sẽ là năm quay trở lại của ngành dệt may Việt Nam.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trong năm nay ngành đặt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD, tăng gần 4 tỷ USD, khoảng 9,2% so với năm 2023.