Năm 2025 dự kiến thu ngân sách nhà nước cán mốc gần 2 triệu tỷ đồng

Năm 2025, dự toán thu ngân sách nhà nước đạt 1.966,8 nghìn tỷ đồng, tăng 15,6% so với dự toán năm 2024 và tăng 5% so với ước thực hiện năm 2024, tương ứng tăng 93,5 nghìn tỷ đồng. Một số khoản thu, sắc thuế dự kiến tăng trưởng mạnh như: thu từ khu vực FDI, thuế bảo vệ môi trường và nhà đất...

Phấn đấu tăng thu ngân sách đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, chú trọng nguồn đầu tư hạ tầng.

Phấn đấu tăng thu ngân sách đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, chú trọng nguồn đầu tư hạ tầng.

Thực hiện quy định của Luật Ngân sách nhà nước, trên cơ sở các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Bộ Tài chính biên soạn và phát hành “Báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 Chính phủ trình Quốc hội”.

Báo cáo nhằm cung cấp kịp thời, đầy đủ và chính xác tới những thông tin chủ yếu liên quan đến đánh giá của Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2024 và dự toán thu chi ngân sách nhà nước năm 2025 trình Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 8 xem xét, quyết định.

BA KHOẢN THU, SẮC THUẾ DỰ KIẾN TĂNG MẠNH

Báo cáo hiện được đăng tải công khai nhằm lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân để công tác xây dựng dự toán ngân sách nhà nước ngày càng minh bạch, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hướng tới các mục tiêu phục vụ xã hội, cộng đồng một cách tốt nhất.

Dự báo về bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước năm 2025, Bộ Tài chính cho rằng trong nước, kinh tế được dự báo duy trì xu hướng tích cực các tháng cuối năm 2024. Nhiều tổ chức quốc tế lớn có nhận định tích cực về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam năm 2025. Ngân hàng Thế giới (tháng 4/2024) dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2025 là 6%; Ngân hàng Phát triển Châu Á (tháng 7/2024) dự báo tăng trưởng là 6,2%. Tuy nhiên, vẫn còn thách thức từ nội tại nền kinh tế, các vấn đề về năng lực, hiệu quả, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; các vấn đề an ninh phi truyền thống...

Trên thế giới, kinh tế thế giới duy trì xu hướng phục hồi nhẹ, nhất là các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc... Tuy nhiên, triển vọng phục hồi ngắn hạn không đồng đều. Tình hình chính trị của nhiều nước lớn xuất hiện những diễn biến mới, tiềm ẩn nhiều rủi ro thay đổi chính sách trong thời gian tới.

Trong bối cảnh đó, dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 được lập trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, với dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khoảng 6% so với năm 2024.

Theo đó, Bộ Tài chính dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2025 là 1.966,8 nghìn tỷ đồng, tăng 15,6% so với dự toán năm 2024 và tăng 5% so với ước thực hiện năm 2024 (tương ứng tăng 93,5 nghìn tỷ đồng), đạt tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước khoảng 16% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 12,8%GDP.

Cụ thể, dự toán thu nội địa 668,3 nghìn tỷ đồng, tăng 95,6 nghìn tỷ đồng so với ước thực hiện năm 2024, chiếm 85% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước.

Trong bản dự toán trình Quốc hội, một số khoản thu, sắc thuế năm 2025 dự kiến tăng trưởng mạnh so với ước thực hiện năm 2024. Đơn cử, thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dự kiến đạt trên 266 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% tương ứng mức tăng gần 30 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, thuế bảo vệ môi trường tăng mạnh 85,8% (tăng 33 nghìn tỷ đồng) so với ước thực hiện năm 2024, lên mức gần 72 nghìn tỷ đồng. Các khoản thu về nhà đất phấn đấu đạt trên 290 nghìn tỷ đồng, tương ứng tăng 10,4% (trên 27 nghìn tỷ đồng).

Dự toán thu dầu thô là 53,2 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2024, giảm 6,1 nghìn tỷ đồng so với ước thực hiện năm 2024, chiếm 2,7% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước; trên cơ sở sản lượng khai thác khoảng 8 triệu tấn, giá dầu dự toán khoảng 75-80 USD/thùng.

Dự toán thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 235 nghìn tỷ đồng, tăng 31 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2024 và tương đương ước thực hiện năm 2024, chiếm 12,1% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước. Trong đó, dự toán thu là 411 nghìn tỷ đồng và dự toán chi hoàn thuế giá trị gia tănglà 176 nghìn tỷ đồng.

Dự toán thu viện trợ 10,2 nghìn tỷ đồng, tăng 4,2 nghìn tỷ đồng so ước thực hiện 2024.

"Mức dự toán nêu trên là mức tích cực, cao hơn năm trước, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước còn đan xen rủi ro, thách thức, đòi hỏi các cấp các ngành phải quyết tâm cao thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước ngay từ những tháng đầu năm", Bộ Tài chính đánh giá.

CHI ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN GẦN 800 NGHÌN TỶ ĐỒNG

Cũng theo Bộ Tài chính, dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2025 khoảng 2.548,9 nghìn tỷ đồng (đã bao gồm số sử dụng từ nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương và nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương còn dư đến hết năm 2024 chuyển sang để bố trí dự toán năm 2025 của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương).

Dự kiến bố trí dự toán chi đầu tư phát triển 790,7 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 31% tổng chi ngân sách nhà nước.

Một số cơ quan sẽ được phân bổ số vốn đầu tư công lớn từ nguồn ngân sách trung ương, đứng đầu là Bộ Giao thông vận tải được rót trên 71 nghìn tỷ đồng, tiếp đó là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với hơn 28 nghìn tỷ đồng...

Dự toán chi trả nợ lãi 110,5 nghìn tỷ đồng; trong đó chi trả nợ lãi ngân sách trung ương là 107,4 nghìn tỷ đồng, chi trả nợ lãi ngân sách địa phương là 3,1 nghìn tỷ đồng, đảm bảo các nghĩa vụ trả nợ lãi theo quy định.

Dự toán chi thường xuyên 1.554,7 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 60,9% tổng chi ngân sách nhà nước, đã bao gồm kinh phí tăng thêm đảm bảo chi trả tiền lương theo mức 2,34 triệu đồng/tháng, chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công, mức chuẩn trợ giúp xã hội và một số chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở theo mức điều chỉnh từ ngày 01/7/2024.

Bộ Tài chính cũng nêu rõ 4 nguyên tắc bố trí dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2025.

Thứ nhất,bố trí chi đầu tư phát triển ở mức tích cực, đảm bảo tổng chi đầu tư phát triển lớn hơn bội chi ngân sách nhà nước và phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước.

Thứ hai, bố trí chi trả lãi đầy đủ, đúng hạn, dự phòng, dự trữ quốc gia ở mức hợp lý để xử lý kịp thời các nhiệm vụ cấp bách phát sinh.

Thứ ba, bố trí đủ chi trả tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội khác tính theo mức đã điều chỉnh từ ngày 01/7/2024.

Thứ tư, bố trí chi thường xuyên triệt để tiết kiệm, ưu tiên các chế độ, chính sách đã ban hành, các nhiệm vụ thực sự quan trọng, cấp thiết.

Căn cứ mục tiêu tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, dự toán bội chi ngân sách nhà nước năm 2025 là 471,5 nghìn tỷ đồng (khoảng 3,8% GDP). Đến cuối năm 2025, các chỉ tiêu về nợ công trong phạm vi được duyệt.

CẦN KHAI THÁC NGUỒN THU MỚI, LƯU TÂM HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP

Đóng góp ý kiến về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 tại phiên thảo luận tổ 9 cuối tuần qua, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn đề nghị Chính phủ cần quan tâm đánh giá kỹ hơn các nguồn thu ngân sách, nhất là nguồn thu nội địa, tỷ lệ thu giữa trung ương và địa phương.

Đại biểu lưu ý về các nguồn thu mới như từ thương mại điện tử, nền tảng số, hộ kinh doanh, thu nhập cá nhân không phải tổ chức hoạt động tự do khi thực hiện ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, hiện vẫn còn “khoảng trống lớn” cần nghiên cứu, hướng dẫn thu hợp lý, các loại thu từ sử dụng, chuyển dịch, sở hữu đất cần định hình rõ hơn khi thực hiện Luật Đất đai 2024.

Bên cạnh đó, để tiếp tục thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét tiếp tục miễn giảm một số loại thuế phí như: giảm 2% thuế giá trị gia tăng; có thể chấp nhận thâm hụt ngân sách nhà nước cao hơn trong giai đoạn này để hỗ trợ tổng cầu của nền kinh tế hay nghiên cứu kéo dài thời gian miễn giảm thuế đến hết năm 2025.

Bởi thực tế cho thấy các doanh nghiệp còn rất khó khăn để tồn tại và gia nhập thị trường. Trong 9 tháng năm 2024 số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 21,5% so cùng kỳ, trong khi số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động chỉ tăng 9,7%. Như vậy trong 9 tháng qua, bình quân mỗi tháng trên cả nước chỉ có khoảng 2.130 doanh nghiệp thành lập mới, số liệu này rất thấp.

Một số ý kiến đại biểu cũng cho rằng trong năm 2025 và các năm tiếp theo, nguồn tăng thu, tiết kiệm cần định hình ngay từ khâu lập dự toán, khuyến khích tăng thu, tiết kiệm chi để đầu tư thêm cho an sinh xã hội như: nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, có công; xóa nhà dột nát, tạm bợ cho hộ nghèo, cận nghèo hay tăng thu dành nhiều hơn cho đầu tư các công trình, dự án quan trọng, cấp bách của địa phương.

Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt các chương trình mục tiêu quốc gia, quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm.

Ánh Tuyết

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nam-2025-du-kien-thu-ngan-sach-nha-nuoc-can-moc-gan-2-trieu-ty-dong.htm