Năm 2025, sẽ đổi mới phương thức, phát triển HTX theo mô hình kiểu mới

Luật HTX năm 2023 có hiệu lực vào ngày 1/7/2024, sẽ có những tác động tích cực đến hoạt động của các HTX trong giai đoạn mới phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Hiện nay, nhiều HTX đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, các bạn trẻ, người dân tộc thiểu số, phụ nữ tham gia mô hình kinh tế tập thể (KTTT), giúp họ trở thành người làm chủ kinh tế gia đình, đóng vai trò quan trọng trong xã hội.

Chỉ tiêu cụ thể cho năm 2025

Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới khẳng định: “KTTT là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân…”. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, các cấp đã tập trung xây dựng chương trình hành động, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện nâng KTTT, HTX lên vị thế mới, tạo được nền mống vững chắc, có sức bật đưa KTTT, HTX cùng các nền kinh tế khác phát triển bền vững. Thời gian qua, sự vào cuộc của các cấp, các ngành ngày càng quyết liệt hơn để hỗ trợ HTX phát triển. Một số cơ chế, chính sách về phát triển KTTT, HTX được thực hiện, đã tác động tích cực đến sự phát triển KTTT.

Những sản phẩm làm từ trái thanh long Bình Thuận.

Những sản phẩm làm từ trái thanh long Bình Thuận.

Tuy nhiên, hiện nay tình hình phát triển KTTT trong tỉnh đang gặp nhiều khó khăn khi sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ và manh mún, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, chưa đáp ứng yêu cầu thị trường khó tính. Luật HTX năm 2023 tuy có nhiều điểm mới tạo động lực phát triển cho các HTX, nhưng cần phải có thời gian cho các HTX nghiên cứu, thay đổi, thích ứng với những quy định mới phù hợp với điều kiện của từng đơn vị. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý HTX chưa nhanh nhạy với biến động của thị trường, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin còn hạn chế. Nguồn vốn hoạt động của HTX còn thấp, HTX khó tiếp cận được các nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng; quỹ hỗ trợ phát triển HTX chưa được thành lập, khó khăn cho nhu cầu vốn của HTX…

Các lao động nữ trong HTX được đào tạo vẫn còn hạn chế.

Các lao động nữ trong HTX được đào tạo vẫn còn hạn chế.

Do đó, để phát triển KTTT một cách bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh sẽ thành lập mới 10 HTX, có doanh thu bình quân 2,25 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân của người lao động trong HTX là 6 triệu đồng/tháng. Tỷ lệ HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 12% tổng số HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, tiếp tục phát triển KTTT với nhiều hình thức đa dạng mà nòng cốt là HTX. Đổi mới phương thức, tổ chức quản lý của HTX theo mô hình HTX kiểu mới. Phát triển KTTT cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng, bảo đảm sự hài hòa trong tất cả ngành, lĩnh vực, địa bàn. Phải có chính sách ưu tiên cho tổ chức KTTT, HTX lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…

Đưa KTTT, HTX cùng các nền kinh tế khác phát triển bền vững.

Đưa KTTT, HTX cùng các nền kinh tế khác phát triển bền vững.

Cụ thể hóa Luật HTX 2023

Theo UBND tỉnh, năm 2025 để đạt những chỉ tiêu trên, sẽ tiếp tục tuyên truyền, tập huấn Luật HTX và nâng cao nguồn nhân lực; tăng cường công tác tuyên truyền Nghị quyết số 20; Chương trình hành động của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và trọng tâm là Luật HTX năm 2023, nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị về bản chất và nguyên tắc hoạt động của mô hình HTX kiểu mới. Tổ chức bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, người lao động, thành viên HTX đáp ứng với nhu cầu thực tiễn.

Tập trung nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX kiểu mới.

Tập trung nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX kiểu mới.

Bên cạnh đó, cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ phát triển HTX theo Luật HTX năm 2023, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ cho các HTX tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa và truy xuất nguồn gốc; cấp mã vùng trồng, mã nhà đóng gói cho các HTX đảm bảo điều kiện. Tiếp tục hỗ trợ các HTX tham gia xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Tạo điều kiện để các HTX được thuê đất, giao đất theo quy định về pháp luật đất đai; hỗ trợ các HTX tiếp cận nguồn vốn thông qua việc thành lập quỹ hỗ trợ phát triển HTX.

Chương trình phối hợp hỗ trợ phát triển KTTT.

Chương trình phối hợp hỗ trợ phát triển KTTT.

Ngoài ra, tăng cường liên kết về kinh tế, tổ chức giữa các HTX với nhau và giữa HTX với các tổ chức kinh tế khác nhau, nhằm mục đích huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển. Phát triển các HTX với quy mô lớn, từng bước hợp nhất, sáp nhập các HTX có quy mô nhỏ để tạo nguồn lực xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm lợi thế của địa phương. Tập trung nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX kiểu mới làm nòng cốt kết nối, liên kết các HTX khác. Giải thể dứt điểm những HTX tồn tại hình thức, ngưng hoạt động, hoạt động không đúng bản chất HTX kiểu mới...

Song song đó, phải nâng cao năng lực hoạt động của ban chỉ đạo phát triển KTTT các cấp. Theo dõi, giám sát thi hành Luật HTX và hướng dẫn thực hiện các chính sách đối với khu vực kinh tế này. Phát huy vai trò nòng cốt của Liên minh HTX tỉnh trong hỗ trợ, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX…

M. VÂN

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/nam-2025-se-doi-moi-phuong-thuc-phat-trien-htx-theo-mo-hinh-kieu-moi-125033.html