Nam Định mở rộng không gian phát triển
Nam Định là một trong 3 địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025. Với số lượng đơn vị hành chính phải sắp xếp, sáp nhập lớn, việc sắp xếp đơn vị hành chính tại Nam Định đã có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, bảo đảm chất lượng, tiến độ; tạo sự thống nhất trong cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân. Từ ngày 1-9, các đơn vị hành chính mới của Nam Định đi vào hoạt động, bảo đảm phục vụ người dân, doanh nghiệp thông suốt, liên tục.
Tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao trách nhiệm công vụ
Sắp xếp các đơn vị hành chính là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 đối với tỉnh Nam Định nhằm tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển, tăng cường liên kết vùng; thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển mới, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Bên cạnh đó, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ tạo cân đối, hài hòa hơn trong phân bố dân cư, góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và nâng cao chất lượng, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phục vụ tốt hơn doanh nghiệp, người dân, nhất là trong bối cảnh Trung ương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Kể từ ngày 1-9-2024, tỉnh Nam Định có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 1 thành phố và 8 huyện; 175 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 146 xã, 14 phường và 15 thị trấn theo đúng tinh thần Nghị quyết số 1104/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Nam Định. Như vậy, sau sắp xếp, tỉnh Nam Định giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện (từ 10 đơn vị xuống còn 9 đơn vị) và giảm 51 đơn vị hành chính cấp xã (từ 226 đơn vị xuống còn 175 đơn vị).
Đánh giá đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định, đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định nhấn mạnh, sau khi thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh sẽ mở rộng không gian phát triển mới, góp phần phát triển nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Sắp xếp, tổ chức bộ máy bảo đảm hoạt động thông suốt, liên tục
Việc sắp xếp đơn vị hành chính là công việc khó, nhạy cảm, phức tạp, tác động lớn đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và tư tưởng, tâm lý, vấn đề khác biệt về văn hóa, phong tục, tập quán hình thành từ lâu đời của nhân dân mỗi địa phương. Trong quá trình xây dựng, triển khai Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, tỉnh Nam Định luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự quan tâm, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương. Đặc biệt là đã nhận được sự quan tâm, đồng tình, ủng hộ và tham gia ý kiến góp ý của cán bộ, đảng viên cùng các tầng lớp nhân dân toàn tỉnh. Kết quả lấy ý kiến cử tri cho thấy, tỷ lệ đồng ý của TP Nam Định đạt 99,73%, huyện Mỹ Lộc đạt 95,89%. Về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tại đa số đơn vị thực hiện sắp xếp, cử tri đều đồng thuận với tỷ lệ rất cao (trên 95%); có 4 đơn vị tỷ lệ cử tri nhất trí đạt 100%.
Sau khi sắp xếp, đội ngũ cán bộ sẽ được lựa chọn, sắp xếp lại, bố trí công việc phù hợp, đáp ứng ngay các yêu cầu công việc đang chịu nhiều áp lực, như: Giải quyết các dịch vụ hành chính công, cải cách thủ tục hành chính, quản lý đất đai, quản lý trật tự đô thị, quản lý dân cư, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử... HĐND tỉnh cũng ban hành Nghị quyết số 141/2023/NQ-HĐND ngày 9-12-2023 về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Ngoài các chế độ, chính sách thực hiện theo quy định của Chính phủ về tinh giản biên chế và các chính sách khác theo quy định của pháp luật, tỉnh Nam Định còn hỗ trợ thêm đối với cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nghỉ công tác trên địa bàn tỉnh.
Với việc xử lý trụ sở, tài sản công sau khi sắp xếp, tỉnh Nam Định đã lên phương án với TP Nam Định sau khi mở rộng. Trụ sở tổ chức đảng, UBND và HĐND, tổ chức chính trị-xã hội của thành phố sau mở rộng dự kiến đặt tại các trụ sở hiện đang sử dụng; trụ sở các đơn vị sự nghiệp dự kiến giữ nguyên cơ sở hạ tầng hiện đang sử dụng để không ảnh hưởng đến việc dạy-học của giáo viên, học sinh và việc chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho nhân dân... Đối với trụ sở, tài sản công không tiếp tục sử dụng sẽ thực hiện việc kiểm kê, đánh giá lại và thực hiện sắp xếp lại, xử lý theo quy định hiện hành.
Trụ sở tại các đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp thực hiện theo nguyên tắc 1 trụ sở cho đảng ủy, HĐND và UBND cấp xã mới; 1 trụ sở cho công an cấp xã mới; 1 trụ sở cho trung tâm văn hóa-thể thao cấp xã mới; trụ sở của các đơn vị sự nghiệp công lập (giáo dục và y tế) trên địa bàn cấp xã giữ nguyên như hiện trạng đang sử dụng; trụ sở, tài sản công không tiếp tục sử dụng sẽ thực hiện việc kiểm kê, đánh giá lại và thực hiện sắp xếp lại, xử lý theo quy định hiện hành.
Đến nay, Nam Định đã hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 theo đúng kế hoạch. Sau sáp nhập, hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương đã sớm ổn định, bảo đảm thông suốt, liên tục; ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nam-dinh-mo-rong-khong-gian-phat-trien-801076