Nam Định nâng cao chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu phát triển

Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã chủ động tìm đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để 'đặt hàng' đào tạo, tuyển dụng sinh viên trước và ngay khi tốt nghiệp.

Toàn tỉnh Nam Định có trên 1 triệu lao động trong độ tuổi đang làm việc trong các ngành kinh tế, dần thích ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động về trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỷ luật và tác phong lao động. Tuy vậy, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp, tỉnh đang thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường, nâng cao chất lượng lao động.

Sản xuất các sản phẩm dệt nhuộm tại Công ty TNHH Top Textiles (KCN Rạng Đông). Ảnh: Thanh Thúy

Sản xuất các sản phẩm dệt nhuộm tại Công ty TNHH Top Textiles (KCN Rạng Đông). Ảnh: Thanh Thúy

Đa dạng hình thức đào tạo nghề

Cơ sở có tổ chức đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Nam Định khá phong phú, với 38 cơ sở, gồm 27 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 11 cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp thuộc các doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội với tổng quy mô đào tạo khoảng 2.000 lao động/năm. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung đào tạo nhân lực theo hướng ứng dụng, thực hành, thực tập, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các khu vực kinh tế trọng điểm.

Hoạt động tư vấn, hướng nghiệp được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chú trọng tổ chức ngay tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông thông qua nhiều hình thức, nội dung. Cùng với đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động điều chỉnh chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra, tăng cường kết nối doanh nghiệp, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi nghề, chuyển đổi công việc trong doanh nghiệp và thích ứng được với sự thay đổi của sản xuất, kinh doanh trong kỷ nguyên số...

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã chủ động tìm đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để “đặt hàng” đào tạo, tuyển dụng sinh viên trước và ngay khi tốt nghiệp. Tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng ra trường có việc làm ngay đạt trên 90%. Nhiều ngành nghề học sinh chưa tốt nghiệp doanh nghiệp đã nhận vào làm việc như ngành hàn, may mặc…

Nam Định có nhiều mô hình hay trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Tỉnh đẩy mạnh thực hiện mô hình liên kết “3 nhà” (nhà nông – nhà trường – nhà sử dụng lao động) trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Doanh nghiệp Cao Cường (xã Trực Tuấn, huyện Trực Ninh) là một trong những điển hình tiêu biểu trong việc liên kết, đào tạo nghề có địa chỉ. Doanh nghiệp đã phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và chính quyền địa phương mở lớp dạy nghề cho lao động theo hướng “cầm tay chỉ việc”, “học đi đôi với hành”, học xong có thể làm việc được ngay.

Cùng với đó, Nam Định cũng thực hiện tốt Đề án phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông, đa dạng hóa, vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với học sinh. Tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đều bố trí phòng tư vấn hướng nghiệp. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông học đại học đạt trên 60%. Tỷ lệ học sinh học trường nghề tăng hằng năm từ 10 - 15% (từ 30.200 người ở 3 cấp trình độ vào năm 2012 lên 35.000 người năm 2022). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75,5%.

Những năm gần đây, tỉnh đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nghề. Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Hiệp hội phát triển nhân lực Kirishima Foothills (Nhật Bản) thực hiện Đề án “Xây dựng mô hình liên kết với Nhật Bản đào tạo hệ Trung cấp lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao dành cho học sinh sau Trung học cơ sở tại tỉnh Nam Định” - Mô hình trường cấp 3 nông nghiệp Nhật Bản. Tại đây, học sinh ngoài việc được học văn hóa, cấp bằng trung học phổ thông, các em còn được dạy kỹ thuật nông nghiệp theo chuỗi giá trị, từ sản xuất đến chế biến nông sản, thực phẩm theo mô hình trồng trọt tiêu chuẩn của Nhật Bản

Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định, phối hợp với Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định và Hiệp hội năng lượng không biên giới của Pháp (EFS) triển khai Chương trình liên kết đào tạo miễn phí nghề điện dân dụng dưới 3 tháng cho thanh niên, học sinh, người lao động với bình quân 30 chỉ tiêu/năm.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Hải Vinh VN, huyện Xuân Trường (Nam Định). Ảnh: Nguyễn Lành

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Hải Vinh VN, huyện Xuân Trường (Nam Định). Ảnh: Nguyễn Lành

Tăng cường tư vấn, hỗ trợ tìm việc làm

Thời gian qua, tỉnh Nam Định đã quan tâm thu hút những nhà đầu tư lớn, có công nghệ cao, thân thiện môi trường… Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đang tiếp cận, xúc tiến cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 40 dự án (bao gồm 21 dự án đầu tư trong nước và 19 dự án FDI). Đây vừa là cơ hội song cũng đặt ra thách thức về khả năng đáp ứng nhu cầu, yêu cầu về lao động tay nghề cao của nhà tuyển dụng trong tình hình mới.

Nhằm hỗ trợ người lao động tiếp cận các thông tin chính sách, pháp luật về lao động làm việc, thị trường lao động, thông qua các phiên giao dịch việc làm, tỉnh Nam Định đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu công việc, tổ chức các phiên giao dịch việc làm hiệu quả, giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp tốt cho người lao động, giúp lao động nhanh chóng ổn định, sớm quay trở lại thị trường lao động, giúp doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, thu hút lao động.

Thông qua tổ dân phố, xã, phường, thị trấn, Trung tâm dịch vụ việc làm (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh) nắm bắt tình hình bộ đội xuất ngũ, học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp; đa dạng các hình thức tư vấn, hỗ trợ tìm việc cho lao động thông qua hình thức trực tiếp tại các phiên giao dịch việc làm. Trung tâm dịch vụ việc làm phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức các buổi tư vấn, giới thiệu việc làm trong nước, xuất khẩu lao động cho phụ nữ nông thôn; phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, thanh niên tốt nghiệp các trường Đại học, cao đẳng và các trường nghề...

Nhiều lao động được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty TNHH TOP TEXTILES, Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng). Ảnh: Thanh Thúy

Nhiều lao động được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty TNHH TOP TEXTILES, Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng). Ảnh: Thanh Thúy

Từ đầu năm 2024 đến nay, thông qua các phiên giao dịch việc làm, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nam Định đã tư vấn việc làm và học nghề, giải quyết việc làm mới cho khoảng 15.000 lượt người, trong đó xuất khẩu lao động 1.800 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 77,8%.

Bên cạnh việc kết nối lao động tìm việc làm trong tỉnh, trong nước, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh đã tư vấn, hướng dẫn hơn 410 lao động có nhu cầu đi lao động thời vụ tại Hàn Quốc; trong đó có trên 300 lao động nộp hồ sơ; tổ chức kiểm tra thể lực cho 217 lao động nộp hồ sơ tham dự đi lao động thời vụ nông nghiệp tại Hàn Quốc.

Ông Lại Hà Nam, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nam Định cho biết, từ chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, nhu cầu sử dụng lao động trong tỉnh thời gian tới sẽ rất lớn. Để thực hiện tốt vai trò “cầu nối” giữa người lao động và người sử dụng lao động, trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức hiệu quả các phiên giao dịch việc làm kết nối người lao động với doanh nghiệp tuyển dụng và đăng các thông tin liên quan đến tuyển dụng, việc làm trên trang thông tin điện tử của trung tâm và các kênh mạng xã hội để người lao động có nhu cầu nắm được, nắm bắt cơ hội tìm việc../.

Theo vnanet.vn

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202408/nam-dinh-nang-cao-chat-luong-lao-dong-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-c800046/