Nam sinh biến dạng cánh tay sau trò chơi quen thuộc

Đang chơi vật tay cùng bạn, nam sinh bỗng nghe tiếng 'rắc' và phát hiện cánh tay đã biến dạng.

 Vật tay tạo ra lực căng trên xương và cấu trúc xung quanh, rất dễ gây ra gãy xương. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.

Vật tay tạo ra lực căng trên xương và cấu trúc xung quanh, rất dễ gây ra gãy xương. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.

Nam sinh tên C.T. (13 tuổi, ngụ Cam Lâm, Khánh Hòa) được đưa vào Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa, với cánh tay biến dạng sau khi chơi vật tay với bạn cùng lớp. Tại đây, em T. được chẩn đoán gãy 1/3 dưới xương cánh tay.

Nam sinh T. có tiền sử nhiều lần được phẫu thuật gãy xương đùi 2 bên do bệnh tạo xương bất toàn (xương thủy tinh). Đây là bệnh lý di truyền hiếm gặp với tỷ lệ khoảng 1/20.000.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Phạm Đình Thành, Phó giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hỉnh - Bỏng, xương thủy tinh là bệnh lý có tính di truyền theo nhiễm sắc thể, có thể phát hiện bằng siêu âm từ lúc thai 15 tuần.

Bệnh nhân mắc xương thủy tinh thường có rất dễ biến dạng và gãy xương, kể cả khi không có chấn thương hoặc gặp sang chấn rất nhẹ như ho, hắt hơi, vỗ vai…

Cho đến nay, bệnh xương thủy tinh vẫn không thể điều trị triệt để. Việc điều trị chỉ mang tính chất hỗ trợ và sửa chữa. Do đó, công tác dự phòng đóng vai trò quan trọng nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của những trẻ mắc bệnh.

Thông tin thêm, bác sĩ Thành cũng cho hay trong vật tay, xương cánh tay chịu một lực xoắn vặn lớn khi bị đối thủ đẩy cánh tay ra sau, tạo ra lực căng trên xương và cấu trúc xung quanh. Vùng giữa xương cánh tay cũng là nơi dễ bị gãy nhất vì không có sự hỗ trợ của các khớp vai hoặc khớp khuỷu.

Đặc biệt, trong quá trình vật tay, cơ tam đầu và các cơ xung quanh cánh tay phải chịu lực kéo mạnh. Việc cơ bị kéo căng quá mức hoặc đột ngột gia tăng áp lực lên xương rất dễ dẫn đến gãy xương.

Do đó, để giảm thiểu nguy cơ gãy xương và tái gãy ở các bệnh nhi mắc xương thủy tinh, bác sĩ Thành khuyến cáo phụ huynh cần hướng dẫn trẻ cách đi lại và sinh hoạt an toàn, tránh những tư thế hoặc động tác có nguy cơ gãy xương như các hoạt động mạnh, va đập hoặc chơi những môn thể thao vận động nhiều.

Ngoài ra, trẻ cần được hỗ trợ tâm lý để giúp hiểu rõ về tình trạng sức khỏe của mình cũng như tạo không gian sống phù hợp. Các cha mẹ cần khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động phù hợp để phát triển kỹ năng xã hội và tự tin hơn và hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh đó, trẻ nên được thăm khám định kỳ để theo dõi sức khỏe xương. Gia đình cũng cần nhận biết sớm dấu hiệu gãy xương để điều trị kịp thời.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nam-sinh-bien-dang-canh-tay-sau-tro-choi-quen-thuoc-post1502685.html