Ngày 15/8, máy bay A321 của hãng Ural Airlines phải hạ cánh khẩn cấp xuống cánh đồng ngô ở ngoại ô thủ đô Moscow, Nga, vì đàn hải âu va vào khiến cả hai động cơ ngừng hoạt động. Máy bay đáp bằng bụng xuống đồng ngô và không sử dụng thiết bị hạ cánh. Ảnh: AP.
Theo AP, tất cả người có mặt trên máy bay đều sống sót. Cuộc hạ cánh khẩn cấp kết thúc thành công một cách kỳ diệu, và sau cùng chỉ một người phải nhập viện. Truyền thông địa phương gọi đây là phép màu. Ảnh: AP.
"Sau khi cất cánh, đàn chim đã bay vào động cơ, động cơ bên trái lập tức dừng hoạt động. Sau đó, đàn chim cũng lao vào động cơ thứ hai khiến động cơ không ổn định, lực đẩy không đủ, độ cao giảm dần. Và chúng tôi hạ cánh xuống cánh đồng", cơ phó Murzin, 23 tuổi, kể lại. Ảnh: AP.
Một động cơ bốc cháy đã rơi ra, càng bánh xe không kịp bung nhưng thân máy bay đã không bị vỡ khi tiếp đất. Sự nhanh trí của cơ trưởng 42 tuổi Yusupov nhanh chóng được so sánh với câu chuyện "phép màu sông Hudson" năm 2009. Phi công Chesley Sullenberger hạ cánh an toàn xuống sông Hudson ở New York sau khi chim va vào làm hỏng động cơ máy bay. Ảnh: AP.
"Ngay khi máy bay bắt đầu cất cánh, thứ gì tác động đã khiến nó rung lên. Các hành khách hoảng loạn bắt đầu la hét", một hành khách nói với Zvezda. "Nhưng chúng tôi tin rằng các phi công đã phải đối mặt với khó khăn lớn. Hành động anh hùng của họ đã cứu chúng tôi". Người này cho biết sau khi hạ cánh, "phi hành đoàn cởi giày, chạy chân đất trên khắp cánh đồng ngô, cố gắng giúp đỡ hành khách". Hình ảnh những hành khách đứng trên cánh đồng ngô cạnh máy bay, ôm lấy cơ trưởng Yusupov và rối rít cảm ơn đã "lan truyền" khắp truyền thông và mạng xã hội Nga. Ảnh: Reuters.
Damir Yusupov, 42 tuổi, cơ trưởng máy bay Ural Airlines, đến một cuộc họp báo ở Ramenskoye, ngoại ô Moscow, ngày 15/8. Ông Todd Curtis, chuyên gia hàng không Mỹ, cựu kỹ sư an ninh của hãng Boeing khen ngợi phi hành đoàn A321. Ông nói: "Tôi tin chắc rằng khi cuộc điều tra hoàn tất, nó sẽ cho thấy quyết định của phi hành đoàn là lý do chính khiến vụ việc không trở thành thảm kịch". Ảnh: AP.
Phi hành đoàn gồm cơ trưởng Yusupov Damir (trong ảnh) và cơ phó Georgy Murzin đã trở thành người hùng. Giám đốc Cơ quan Vận tải Hàng không Liên bang Nga (Rosaviatsiya), Alexander Neradko, cho biết phi hành đoàn "đã đưa ra quyết định đúng đắn duy nhất" khi hạ cánh máy bay ngay lập tức sau khi cả hai động cơ bị trục trặc. Ảnh: AP.
Máy bay A321 khởi hành từ sân bay Zhukovsky với lịch trình từ Moscow đi Simferopol (Crimea) chở theo 226 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn. Nhân viên y tế nói rằng có 23 người, trong đó có 5 trẻ em, đã được đưa đến bệnh viện, nhưng theo AP, chỉ một người phải ở lại viện. Theo RIA Novosti, 58 hành khách sau đó đã bay đến Simferopol, 77 hành khách khác từ chối bay, 6 người khởi hành vào ngày 16/8. Ảnh: AP.
Theo AP, việc chim va vào máy bay diễn ra thường xuyên, dù các sân bay dùng nhiều biện pháp để đuổi chim như hệ thống báo động, súng bắn khí, và hạn chế cất cánh khi có đàn chim lớn xung quanh. Các con chim nhỏ thường bị chặt bởi cánh quạt của turbine, nhưng động cơ máy bay sẽ không chịu được đàn chim hay những con chim lớn, John Hansman, giáo sư hàng không tại Học viện Công nghệ Massachusetts, nói với AP. Ảnh: Getty Images.
Hiếm có trường hợp chim làm hỏng cả hai động cơ, nhưng với hai vụ hạ cánh xuống cánh đồng ngô và hạ cánh xuống sông Hudson cách nhau 10 năm, các nhà thiết kế máy bay có thể phải tìm cách chống các vụ va chạm, “thảo luận để rút ra bài học” và “cân nhắc rủi ro và xác suất”, theo ông Hansman. Ảnh: AP.
Ảnh này từ video do ủy ban điều tra công bố, cho thấy nhân viên của ủy ban đang vào kiểm tra máy bay A321 đáp xuống cánh đồng ngô. Phi công được huấn luyện để lái máy bay cho trường hợp chết một động cơ, vì chết cả hai động cơ là trường hợp hiếm. Tuy nhiên, các phi công cũng chuẩn bị cho trường hợp cả hai động cơ đều chết và thường biết nơi nào an toàn nhất để hạ cánh, John Goglia, cựu ủy viên Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ, nói với AP. Cơ quan của ông đã nghiên cứu vấn đề va chạm với chim nhiều năm, nhưng chưa có giải pháp tối ưu. Ảnh: AP.
Mất cả hai động cơ, phi công sẽ bay theo kiểu “trượt dần xuống” trên không, và chỉ có thể kiểm soát trong thời gian ngắn, theo Hansman. Khó nhất ở đây là quyết định hạ cánh ở đâu. “Khi trượt xuống, anh chỉ có một khoảng độ cao nhất định”, ông nói. “Anh phải đánh giá nơi nào hạ cánh tốt nhất với năng lượng còn lại, vì động cơ không đẩy thêm được nữa”. Ảnh: AP.
Theo ông Goglia, ngoài đường băng, cánh đồng ngô là nơi hạ cánh tốt vì không có đá và cây có thể làm hư hại máy bay. Ông Hansman cho biết thêm việc tất cả hành khách đều an toàn ngày 15/8 cho thấy các thiết kế, chuẩn bị của ngành hàng không đã trở nên hữu dụng. Ngoài việc tập huấn cho phi công, ghế ngồi được thiết kế để bảo vệ hành khách trong các trường hợp như trên, và bình xăng được thiết kế cho các cuộc hạ cánh gập ghềnh. Ảnh: Reuters.
Máy bay Nga chở 233 người hạ cánh bằng bụng xuống đồng Máy bay thương mại Nga chở 233 người đâm phải chim và buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống một ruộng ngô. Tất cả đều sống sót trong vụ thoát hiểm được gọi là "thần kỳ".
Trọng Thuấn