Nạn nhân vụ designer quấy rối ở TP.HCM bị đổ lỗi ngược

Nhiều trường hợp nạn nhân trong các vụ quấy rối lại trở thành đối tượng bị dân mạng ngờ vực, công kích và dọa nạt khi lên tiếng tố cáo kẻ xấu.

"Mình thực sự quá mệt mỏi rồi. Mình không nghĩ câu chuyện có sức lan tỏa rộng rãi tới vậy, càng không ngờ bản thân lại bị nhiều người nhiếc móc, nghi ngờ", K. (sinh năm 1999, TP.HCM) chia sẻ với Zing.

Ngày 29/11, K. lên tiếng tố cáo sếp là Maxk Nguyễn - designer có tiếng ở TP.HCM - về hành vi quấy rối, hạ thấp danh dự nhân viên trong thời gian 4 tháng thực tập.

Sau khi chia sẻ sự việc, nữ sinh 21 tuổi nhận được hàng trăm bình luận động viên, khích lệ từ cộng đồng mạng. Song cũng có không ít ý kiến bày tỏ thái độ tiêu cực, trách K. "không có khả năng chịu áp lực công việc", "quy chụp cấp trên"...

Thậm chí, có người còn xoáy vào tình trạng sức khỏe tinh thần của cô gái để chỉ trích. "Chẳng ai có nghĩa vụ phải quan tâm và thông cảm cho bạn đâu. Nếu cảm thấy môi trường đó không hợp thì nghỉ, thiếu gì chỗ làm mà phải cắn răng chịu đựng 4 tháng ở đó?", một cư dân mạng nói.

 K. nhận nhiều bình luận chỉ trích sau khi tố cáo hành vi quấy rối của cấp trên. Ảnh minh họa: Getty.

K. nhận nhiều bình luận chỉ trích sau khi tố cáo hành vi quấy rối của cấp trên. Ảnh minh họa: Getty.

"Mình là nạn nhân, cớ sao lại bị chỉ trích?"

Hiện K. đã khóa chức năng bình luận trên trang cá nhân để tránh gây ồn ào dư luận. Trả lời Zing, cô gái sinh năm 1999 bày tỏ tâm trạng hoang mang, mệt mỏi khi rơi vào cảnh bị chỉ trích ngược.

"Mình chia sẻ câu chuyện này để động viên những bạn có cùng hoàn cảnh đứng lên bảo vệ quyền lợi của mình. Vì thế, mình rất bối rối, lo lắng khi sự việc bị nhiều người đem ra bàn tán, mỉa mai", K. giãi bày.

K. không phải người duy nhất vấp phải một số phản ứng tiêu cực khi đề cập trải nghiệm bị quấy rối.

Năm 2019, L. (sinh năm 1998, Hà Nội) cũng gặp trường hợp tương tự. Khi chia sẻ lên mạng xã hội câu chuyện bị một nam thanh niên đeo bám suốt nhiều năm, cô lập tức trở thành mục tiêu công kích của nhóm người mang ý kiến trái chiều.

"Dù hạ quyết tâm đối mặt với nỗi sợ, mình vẫn bàng hoàng khi đọc những bình luận nói mình bịa chuyện hay quá nhạy cảm. Thậm chí bạn bè của hắn còn vào chửi rủa, dọa nạt rằng 'không gỡ bài sẽ tìm đến nhà nói chuyện'", L. nói với Zing.

Dưới áp lực từ cộng đồng mạng, L. buộc phải xóa bỏ bài viết và tìm kiếm hỗ trợ tâm lý tại bệnh viện. Sau một năm, khi sức khỏe tinh thần dần hồi phục, cô gái trẻ mới nhận ra bản thân không hề "nhạy cảm, ảo tưởng" như cộng đồng mạng từng nói.

"Mình là nạn nhân, cớ sao lại bị chỉ trích?", L. bộc bạch.

 Nhiều nạn nhân trong các vụ quấy rối bị chỉ trích ngược.

Nhiều nạn nhân trong các vụ quấy rối bị chỉ trích ngược.

Vấn nạn đổ lỗi ngược

Lâu nay, tình trạng đổ lỗi cho nạn nhân, hay victim blaming, vẫn là một vấn đề xã hội nhức nhối. Thay vì tập trung tới thủ phạm và nâng cao nhận thức cộng đồng, dư luận có xu hướng chĩa mũi dùi về phía bị hại, mổ xẻ sự việc để tạo nên những "phiên bản" chủ quan.

Với trường hợp của K. và L., khi chia sẻ câu chuyện bị quấy rối lên Internet, hai cô gái phải đối mặt với một số bình luận ác ý.

"Thiếu kinh nghiệm làm việc, kỹ năng ứng xử thì sao ra đời được", "Tâm lý yếu, không chịu nổi áp lực thì đừng đổ vấy cấp trên", "Chuyện từ đời tám hoánh mà bây giờ mới lên tiếng, muốn kiếm fame để bán hàng online à?".

Khi được hỏi về nguyên nhân đằng sau những lời lẽ mang tính công kích nạn nhân, dân mạng thường mượn cớ "đăng lên mạng xã hội thì phải chấp nhận phản ứng trái chiều".

 Thay vì tập trung tới thủ phạm, dư luận có xu hướng chĩa mũi dùi về phía bị hại.

Thay vì tập trung tới thủ phạm, dư luận có xu hướng chĩa mũi dùi về phía bị hại.

Barbara Gilin, giáo sư ngành công tác xã hội tại ĐH Widener (bang Pennsylvania, Mỹ), khẳng định đây là một hành vi vô cùng độc hại.

"Từ kinh nghiệm chuyên môn, tôi cho rằng mọi người có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân để đổi lấy cảm giác an toàn. Họ nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ rơi vào tình cảnh xấu số như vậy", cô chia sẻ trên The Atlantic.

Mặt khác, nhiều nghiên cứu tâm lý chứng minh rằng các cá nhân thường dựa vào quan niệm "không có lửa thì sao có khói" để đánh giá đúng - sai trong các vụ quấy rối, bỏ qua hoàn toàn bối cảnh và chi tiết sự việc.

"Tôi nghĩ lý do lớn nhất dẫn đến hành vi đổ lỗi nạn nhân là giả thuyết tâm lý 'Thế giới công bằng', mang nghĩa 'gieo nhân nào, gặp quả đó'. Dưới sự chi phối của ý niệm này, nhiều người tin rằng nạn nhân xứng đáng chịu hậu quả vì hành động của mình", Giáo sư tâm lý học Sherry Hamby, nhà sáng lập tạp chí Psychology of Violence, nhận định.

 Những bình luận chỉ trích dựa trên góc độ chủ quan của cư dân mạng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của các nạn nhân.

Những bình luận chỉ trích dựa trên góc độ chủ quan của cư dân mạng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của các nạn nhân.

Đối với cư dân mạng, một lời bình luận chẳng đáng để tâm là bao. Sau vài ngày, thậm chí vài giờ, họ chẳng còn mảy may nhớ tới những gì mình đã viết dưới "tấm áo" ẩn danh trên Internet, dù đó là lời động viên, hỏi han hay móc mỉa, chế giễu.

Thế nhưng, đối với những nạn nhân như K. hay L., những dòng bình luận vô tình kia lại trở thành "nhát dao thứ 2" cứa sâu vào vết thương của họ.

"Thay vì đổ lỗi cho những người xấu số, hãy đặt mình vào hoàn cảnh của họ và nhìn nhận sự việc một cách khách quan, cảm thông hơn", Kendra Cherry, tác giả cuốn Everything Psychology Book, chia sẻ.

Trang Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nan-nhan-vu-designer-quay-roi-o-tphcm-bi-do-loi-nguoc-post1158697.html