Nâng cao chất lượng báo cáo tài chính nhà nước, góp phần xây dựng nền tài chính nhà nước minh bạch
Với sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo, sự đồng hành của các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương, hỗ trợ của các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế, chuyên gia quốc tế cùng với phương pháp và bước đi chắc chắn, phù hợp, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã và đang khẩn trương triển khai công tác lập báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN).
Đánh giá về tình hình triển khai công tác lập báo cáo tài chính nhà nước trong những năm qua, KBNN cho biết, năm 2018 là năm đầu tiên các đơn vị hành chính sự nghiệp triển khai lập báo cáo tài chính theo chế độ kế toán mới trên cơ sở kế toán dồn tích.
Mặc dù, trong quá trình triển khai còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc về xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, công tác tổng hợp, lập, cung cấp thông tin tài chính… nhưng được sự đồng hành của các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương... góp phần tạo nên những kết quả bước đầu.
Tính đến tháng 2/2020, các bộ, cơ quan trung ương đã gửi đầy đủ Báo cáo cung cấp thông tin tài chính cho KBNN… Kết quả này cho thấy sự cố gắng nỗ lực cao độ của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai nhiệm vụ mới.
Theo KBNN, 2018 cũng là năm đầu tiên toàn hệ thống triển khai lập BCTCNN trong khi thông tin tài chính được thu thập trên phạm vi rộng, kỹ thuật tổng hợp tương đối phức tạp, thời gian thực hiện tương đối gấp, tiến độ gửi Báo cáo cung cấp thông tin tài chính của các đơn vị còn chậm. Theo đó toàn hệ thống KBNN đã tập trung các nguồn lực, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ này.
Tính đến tháng 12/2019, KBNN đã hoàn thành 63 bộ BCTCNN tỉnh năm 2018, trình UBND cấp tỉnh và báo cáo HĐND cấp tỉnh. Cuối tháng 3/2020, KBNN đã hoàn thành việc tổng hợp, lập BCTCNN toàn quốc năm 2018, trình Bộ Tài chính, Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội cùng với báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) vào tháng 5/2020 theo đúng quy định.
Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng BCTCNN và quản lý tài sản nhà nước tốt hơn, xây dựng một nền tài chính nhà nước ngày càng minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế, KBNN chú trọng một số giải pháp sau.
Thứ nhất, đẩy nhanh tiến độ rà soát, cập nhật số liệu tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ, nước sạch nông thôn tại các địa phương để tổng hợp vào BCTCNN năm 2019. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu phương án, lộ trình phản ánh giá trị tài sản kết cấu hạ tầng khác (hàng không, đường sắt quốc gia, hàng hải, đường thủy nội địa, thủy lợi…) và tài sản nhà nước khác (như di sản…) vào BCTCNN và sớm hoàn thiện khung pháp lý về quản lý, kế toán các tài sản này.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý của BCTCNN theo hướng hoàn thiện các mẫu biểu BCTCNN tại Nghị định số 25/2017/NĐ-CP; sửa đổi bổ sung quy định về đối tượng và trách nhiệm cung cấp thông tin tài chính về tài sản kết cấu hạ tầng, nợ chính quyền địa phương tại Thông tư số 133/2018/TT-BTC; sửa đổi, bổ sung các chế độ kế toán nhà nước để đảm bảo hướng dẫn đầy đủ cho đơn vị thực hiện và cung cấp các thông tin tài chính cần thiết phục vụ tổng hợp BCTCNN đáp ứng yêu cầu quản lý của các cấp lãnh đạo.
Thứ ba, nâng cấp Hệ thống thông tin Tổng Kiểm toán Nhà nước theo hướng kết nối/giao diện với hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị thuộc khu vực nhà nước, kết nối với mạng lưới của Chính phủ điện tử, tiến tới xây dựng hệ thống dữ liệu tài chính nhà nước tập trung để cung cấp số liệu tài chính nhà nước nhanh chóng, chính xác.
Thứ tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn nhân lực làm công tác kế toán trong khu vực nhà nước thông qua đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, cải tổ bộ máy kế toán; đồng thời bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác BCTCNN của hệ thống KBNN đặc biệt là trong việc nghiên cứu, phân tích chuyên sâu BCTCNN.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo, quản lý cũng như sự ủng hộ của truyền thông về những khó khăn thách thức trong giai đoạn đầu triển khai lập BCTCNN.