Nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội - Bài 1: Tất cả vì lợi ích người dân
Công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền là một trong những nội dung quan trọng, trọng tâm của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN).
Nhiều năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh, công tác giám sát, phản biển xã hội của MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh luôn được đổi mới về nội dung và phương thức tập hợp, đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Bài 1: Tất cả vì lợi ích người dân
Giám sát, phản biện xã hội là một trong các hoạt động cơ bản của MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội. Hoạt động này thể hiện rõ vai trò của Mặt trận trong thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước, vì vậy chức năng này cũng được thực hiện xuyên suốt và hiệu quả hơn khi có sự chung tay của nhiều cơ quan, đơn vị, đoàn thể.
Đem lại hiệu quả cao
Hơn một năm trước, nhiều người dân lắc đầu ngao ngán khi ngay tại các vị trí công cộng của Khu phố 1 (Phường 24, quận Bình Thạnh) phát sinh một số “điểm đen” về rác thải. Trước tình tràng này, Ban Thường trực MTTQ phường đã xin ý kiến Đảng ủy phường về triển khai kế hoạch giám sát, kiểm tra.
Đoàn giám sát gồm Chủ tịch MTTQ phường, Trưởng ban Thanh tra nhân dân phường, đại diện Ủy ban Kiểm tra đảng ủy, Thường trực Khối dân vận phường, lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội phường, cùng đi thực tế tại các điểm người dân phản ánh về ô nhiễm.
Chỉ sau hai tuần, Chi ủy Khu phố 1 đã “hồi âm” với hàng loạt giải pháp xóa các điểm rác tồn đọng tại hai hẻm 341 và 405, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh; Chi bộ Khu phố 1 còn đề xuất nhiều giải pháp khác để tăng mảng xanh, giữ vệ sinh môi trường trên địa bàn… Đến này, điểm đen về rác thải đã được xóa bỏ, thay vào đó là những mảng xanh mọc lên để làm đẹp thêm khu phố.
Ở góc độ Thành phố, đại diện Ủy ban MTTQVN TP Hồ Chí Minh và các Sở, ngành, địa phương, các chuyên gia vừa qua đã có đợt khảo sát thực địa, giám sát về công tác giải ngân vốn đầu tư công dự án hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ và dự án Cải thiện môi trường nước thành phố lưu vực Kênh Tàu Hủ - Kênh Bến Nghé - Kênh Đôi - Kênh Tẻ giai đoạn 2.
Tại công trình dự án, đại diện đoàn giám sát đặt ra một số vấn đề liên quan đến tiến độ thực hiện; những khó khăn trong phối hợp giữa các Sở, ngành thành phố, từ đó kiến nghị đơn vị thi công, nhà đầu tư cần khắc phục. Sau 2 tuần kiến nghị, các đơn vị thi công đã khắc phục khó khăn, vướng mắc để tiếp tục đẩy mạnh công tác thi công còn dở dang. Đối với những kiến nghị cấp Thành phố, đoàn giám sát cũng báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy có hướng tháo gỡ, giải quyết những vấn đề phát sinh, qua đó đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố.
Dưới góc độ là cơ quan bảo vệ phụ nữ, mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh đã tổ chức giám sát, kiến nghị các cơ quan chức năng để hỗ trợ thành công một phụ nữ bị bạo hành 10 năm được ly hôn và được quyền nuôi 2 người con. Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh cho biết, người vợ này bị bạo hành nhiều năm, nhưng không lên tiếng và bị người chồng gây khó khăn trong thỏa thuận ly hôn. Từ các bằng chứng thu thập được, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, sự giám sát chặt chẽ của Hội, vụ việc đã được giải quyết theo hướng có lợi cho người vợ.
Phát hiện, xử lý vụ việc kịp thời
Bà Nguyễn Thị Thanh Loan cho biết, 10 năm qua, Hội đã tổ chức giám sát độc lập 26 nội dung, góp ý, phản biện xã hội 78 nội dung; các cấp quận, huyện tổ chức giám sát 438 nội dung, góp ý, phản biện 379 nội dung… Qua giám sát, nhiều vấn đề đã được cấp hội phát hiện, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết kịp thời.
Thành phố Thủ Đức là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ, với hàng loạt dự án đã và đang được triển khai, đang có nhiều khiếu kiện về đất đai, đền bù, cải cách hành chính... Trong thời gian dài, các khiếu kiện chưa được giải quyết dứt điểm, vì vậy công tác giám sát, phản biện xã hội được thành phố Thủ Đức khá quan tâm.
Ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết, trong 10 năm qua, thành phố Thủ Đức (từ khi chưa sáp nhập 3 quận cho đến nay) và cơ sở đã thành lập 712 đoàn giám sát, tổ chức 1.432 cuộc giám sát; tổ chức 1.248 cuộc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; tổ chức 457 hội nghị phản biện.
“Hoạt động giám sát, phản biện xã hội đã giúp cho cấp ủy, chính quyền từ Thành phố đến cơ sở nhìn nhận được những vấn đề còn tồn tại, hạn chế; từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề có liên quan đến Nhân dân. Thời gian qua, nhiều vấn đề về tranh chấp đất đai, đền bù giải phỏng mặt bằng... cho các dự án mở rộng đường phục vụ công trình giao thông ban đầu còn vướng mắc, nhưng nhờ công tác giám sát, phản biện xã hội mà yêu cầu của người dân được giải quyết thỏa đáng. Vì vậy, người dân cũng đồng thuận bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công dự án mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp, Lò Lu, Lê Văn Việt, dự án đường vành đai 2 và 3.... để các dự án hoàn thành tiến độ thi công”, ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng cho biết thêm.
Tương tự, ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, việc lấy ý kiến người dân trong triển khai, thực hiện chính sách là rất quan trọng. Cụ thể, khi thực hiện công tác cải tạo, chỉnh trang Công viên Mê Linh (Quận 1), Sở đã tổ chức lấy ý kiến người dân bằng nhiều hình thức và nhận được nhiều ý kiến góp ý chất lượng. Việc tổ chức lấy ý kiến của người dân, tổ chức, doanh nghiệp là điều kiện quan trọng trước khi ban hành và triển khai chính sách. Khi người dân, doanh nghiệp cùng tham gia, nghiên cứu, góp ý, điều chỉnh các chính sách đề xuất sẽ phù hợp, khả thi và đáp ứng được yêu cầu của thực tế cuộc sống, nhất là những vấn đề còn vướng mắc, tồn đọng như vấn đề nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, đô thị - những vấn đề nóng luôn được sự quan tâm đặc biệt của xã hội.
Dưới góc độ đơn vị thực hiện công tác giám sát, thu thập ý kiến phản biện xã hội, ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQVN TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian tới, các nội dung giám sát cần xác định trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; trong việc giám sát phải có quyết tâm cao, mạnh dạn, sáng tạo trong cách làm, không ngại đụng chạm và cần phát huy vai trò của chuyên gia, nhà khoa học, những người am hiểu đối với các lĩnh vực giám sát, phản biện xã hội. Ngoài ra, một trong những nội dung trọng tâm năm 2024 trong công tác giám sát của Thành phố là phải vận động người dân cùng góp ý kiến, tham gia giám sát, phát hiện, góp phần ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết công việc với người dân. Đồng thời, vận động nhân dân tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, tích cực tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.