Nâng cao chất lượng công tác hòa giải cơ sở

Sáng 10/10, tại Hà Nội, Trung tâm Bồi dưỡng Cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học 'Các giải pháp phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác hòa giải ở cơ sở hiện nay'.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội thảo.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội thảo.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng, dự và chủ trì hội thảo.

Hội thảo khoa học “Các giải pháp phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác hòa giải ở cơ sở hiện nay” là một việc làm kịp thời và cần thiết, nhằm tiếp tục làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về vai trò của MTTQ Việt Nam trong công tác hòa giải cơ sở, đề xuất phương hướng, các giải pháp khả thi nhằm phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới. Đây cũng là việc làm hữu ích, góp phần triển khai Nghị quyết Đại hội IX MTTQ Việt Nam vào thực tiễn cuộc sống.

Theo bà Phùng Thị Thuận, Chuyên viên chính Ban Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam, ở những địa phương làm tốt công tác hòa giải cơ sở thì tình hình an ninh, trật tự được giữ vững, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân; ngược lại, ở những nơi còn coi nhẹ công tác hòa giải, tình hình mâu thuẫn, tranh chấp có chiều hướng tăng, dẫn đến mất trật tự, trị an xã hội. Do đó, công tác hòa giải ở cơ sở rất quan trọng trong đời sống xã hội.

Bà Thuận cho rằng, để nâng cao chất lượng hòa giải cơ sở, cần có sự phối hợp chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền với MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc triển khai thực hiện; đồng thời thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên. Nội dung tập huấn, bồi dưỡng nên xây dựng mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với đặc thù công tác hòa giải ở địa phương. Bên cạnh đó, cần tổng kết nghiên cứu sửa đổi Luật hòa giải cơ sở để khắc phục tính hình thức, khó thực hiện trong quy trình bầu hòa giải viên và nhiều công việc khác.

Ở góc độ khác, ông Đàm Văn Huân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội cho rằng, hòa giải thành hay không thành phụ thuộc vào thành viên của Tổ hòa giải. Đến nay, mạng lưới Tổ hòa giải được thành lập ở 100% khu dân cư trên toàn Thành phố Hà Nội với thành phần tổ hòa giải gồm Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng ban Công tác Mặt trận, Trưởng các đoàn thể, các chi hội, người có uy tín. Năm 2018, Tổ hòa giải đã tiếp nhận 3.304 vụ, trong đó có 2.764 vụ hòa giải thành (83,11%), 471 vụ hòa giải không thành (14,25%) và 87 vụ chưa giải quyết xong.

Ông Đàm Văn Huấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội thảo.

Ông Đàm Văn Huấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội thảo.

Theo ông Đàm Văn Huân, trong thời gian tới, MTTQ Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng tổ hòa giải và hòa giải viên thông qua việc rà soát số lượng, chất lượng; biểu dương, phê bình, nhắc nhở để các hòa giải viên luôn luôn nên cao tinh thần trách nhiệm, chủ động sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, MTTQ thành phố Hà Nội sẽ tăng cường phối hợp với Sở Tư pháp tiến hành rà soát các quy ước, phong tục tập quán tiến bộ để hòa giải viên vận dụng trong quá trình hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật.

Theo ông Trần Đức Trường, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hòa Bình, trong 5 năm qua, các Tổ hòa giải cơ sở tỉnh Hòa Bình đã tiếp nhận và đưa ra hòa giải 6.249 vụ việc. Các tranh chấp chủ yếu trên lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai, môi trường. Các hòa giải viên không những vận động quy định pháp luật mà còn vận dụng phong tục, tập quán, tình làng nghĩa xóm, chuẩn mực đạo đức để phân tích, giáo dục, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp tự thỏa thuận và đi đến giải quyết kịp thời các mâu thuẫn.

Ông Trường đề nghị, trong thời gian tới, cần tiến hành đồng bộ và thống nhất việc huy động nguồn lực cho công tác hòa giải ở cơ sở, tránh việc cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về hòa giải phải kiêm nhiệm nhiều việc; đồng thời cần có thêm chính sách hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của Tổ hòa giải và hòa giải viên để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hòa giải cơ sở.

Quang cảnh Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, nguyên Viện trưởng trong hòa giải, phải có cả lý và tình mới giải quyết được thành công một vụ việc. Điều này đòi hỏi mỗi hòa giải viên cần nắm vững quy định pháp luật để làm căn bản, kết hợp tìm hiểu, đi sâu vào vụ việc, từ đó nắm bắt được tâm tư của mỗi bên để hòa giải. Bên cạnh đó, cần đổi mới hình thức, nội dung hoạt động của Tổ hòa giải, tránh hành chính hóa; đưa hòa giải gắn chặt với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là biện pháp thiết thực để hạn chế mức thấp nhất các mâu thuẫn, xích mích, vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư.

Ghi nhận những ý kiến phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, trong những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực trong việc tham gia phối hợp với các cơ quan Nhà nước thực hiện một số quy định công tác hòa giải ở cơ sở, mạng lưới Tổ hòa giải được củng cố, mở rộng, thu hút được nhiều thành phần, nhiều lực lượng tham gia.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng mong muốn, trong thời gian tới, đội ngũ hòa giải viên các tỉnh, thành phố tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, nâng cao chất lượng hoạt động trong việc giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp cơ bản ngay từ cơ sở, hạn chế được đơn thư, khiếu nại vượt cấp, tiết kiệm thời gian, tiền bạc của cơ quan Nhà nước và nhân dân; từ đó tạo không khí vui vẻ, gắn kết trong cộng đồng dân cư, người dân đoàn kết xây dựng địa phương ngày càng văn minh, giàu mạnh.

Tiến Đạt

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/mat-tran/nang-cao-chat-luong-cong-tac-hoa-giai-co-so-tintuc449480