Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng đã và đang được các cấp, ngành quan tâm thực hiện. Nhờ vậy, chất lượng cuộc sống, chất lượng dân số của người dân nơi đây ngày càng được cải thiện.

Phụ nữ ở huyện Sơn Hòa tìm hiểu về các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Ảnh: NGỌC QUỲNH

Đẩy mạnh tuyên truyền

Những năm qua, cùng với nỗ lực của các cấp, ngành trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng đồng bào DTTS, Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến, cung cấp kiến thức, kỹ năng cho các nhóm đối tượng liên quan đến công tác dân số.

Trong đó tập trung tuyên truyền các nội dung: sàng lọc trước sinh/sàng lọc sơ sinh; giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), sức khỏe tình dục; hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; khám sức khỏe trước khi kết hôn; thực hiện KHHGĐ, các bệnh lây truyền qua đường tình dục; hệ lụy của việc tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; các bệnh thường gặp ở người cao tuổi…

Theo ông Lê Văn Bi, Trưởng phòng Truyền thông, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, nhìn chung người dân đãnâng cao nhận thức về những lợi ích khi thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ.

Hiện nay, ngày càng có nhiều người kết hôn, sinh con phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe, hoàn cảnh kinh tế gia đình; quy mô gia đình nhỏ từ 1-2 con đã được đa số người dân chấp nhận. Đặc biệt, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở các địa phương tích cực tham gia Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số (gọi tắt là chiến dịch).

Chị So Thị Tâm ở thôn Kỳ Đu (xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân) thổ lộ: Nhờ được các cán bộ dân số của huyện, xã, thôn thường xuyên tuyên truyền, tư vấn, tôi cũng như nhiều chị em trong thôn ngày càng nhận thức tốt hơn về việc cần phải thực hiện KHHGĐ, sinh đẻ có kế hoạch để nuôi dạy con cái cho tốt.

Chia sẻ về sự hào hứng của phụ nữ địa phương tham gia chiến dịch, chị Lê Thị Thanh Tịnh, cán bộ Dân số - Gia đình - Trẻ em kiêm phụ trách Đài Truyền thanh xã Xuân Quang 2 cho biết: “Với một xã còn nhiều khó khăn như Xuân Quang 2, khi được các y, bác sĩ tư vấn, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, chị em rất phấn khởi. Nhiều chị em người đồng bào DTTS ở địa phương nhận thức rất tốt trong việc áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại cũng như khám sàng lọc một số bệnh lý liên quan đến SKSS như khám phụ khoa phòng chống viêm nhiễm đường sinh sản...”.

Chị Lê Mo Thị Hạnh ở thôn Tân Thuận (xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa) phấn khởi nói: “Mỗi lần địa phương tổ chức chiến dịch, tôi đều tích cực tham gia. Càng lớn tuổi, tôi càng nhận thấy mình phải quan tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc sức khỏe bản thân để phòng ngừa đau ốm, bệnh tật”.

Triển khai nhiều giải pháp

“Là huyện có đông người đồng bào DTTS, trong tháng 8 này, để thực hiện tốt chiến dịch tại địa phương, Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa phối hợp chặt chẽ với trạm y tế các xã, cán bộ chuyên trách dân số các xã triển khai chiến dịch như: Sơn Phước, Sơn Hội, Cà Lúi, Phước Tân, Ea Chà Rang, Suối Trai, Krông Pa tuyên truyền, vận động người dân địa phương nắm rõ và tích cực sử dụng các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ”, ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng phòng Dân số và y tế cơ sở huyện Sơn Hòa cho biết.

Hàng năm, ngành Dân số tỉnh đều tổ chức chiến dịch. Đồng thời, ngành cũng chú trọng hiệu quả hoạt động của các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số cũng như tăng cường các hoạt động truyền thông chuyển đổi hành vi về DS-KHHGĐ... Qua đó góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng giống nòi và ổn định quy mô, cơ cấu dân số, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hương, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh

Tại huyện Sông Hinh, ngành Dân số cũng tích cực vận động các xã, thị trấn triển khai chiến dịch đợt 1 trên địa bàn huyện trong thời gian sớm nhất có thể. Ông Phạm Minh Mỹ, Trưởng phòng Dân số và y tế cơ sở huyện Sông Hinh nói: “Song song với triển khai các hoạt động theo chương trình, chúng tôi tăng cường vận động, tuyên truyền, nhờ vậy mà bà con ngày càng ý thức và thực hiện tốt chính sách dân số”.

Thực tế cho thấy, đời sống kinh tế người dân vùng đồng bào DTTS ở Phú Yên hiện nay còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe phụ nữ DTTS với phụ nữ sống ở nông thôn và thành thị còn hạn chế, giao thông đi lại cách trở, trình độ nhận thức hạn chế, bà con còn giữ nhiều phong tục tập quán lạc hậu như: tập quán kết hôn cận huyết thống, tảo hôn, ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi...

Vì vậy, thời gian qua, Phú Yên luôn nỗ lực nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân vùng DTTS. Đặc biệt hàng năm, ngành Dân số tỉnh đều tổ chức chiến dịch, qua đó góp phần chuyển biến tích cực trong suy nghĩ, tập tục, thói quen… của đồng bào DTTS. Đây là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực khi tạo cơ hội cho phụ nữ vùng DTTS, miền núi, đặc biệt là phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận gần hơn với các dịch vụ chăm sóc SKSS, hướng đến việc nâng cao chất lượng dân số.

NGỌC QUỲNH

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/284355/nang-cao-chat-luong-dan-so-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so.html