Nâng cao chất lượng dịch vụ công tại các đơn vị mới sáp nhập

Cụ thể hóa chủ trương tăng cường cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng chính quyền thân thiện đang được các xã, phường, thị trấn, nhất là những đơn vị hành chính mới thành lập tập trung nỗ lực thực hiện.

Cán bộ, công chức Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND thị trấn Tân Thanh (Thanh Liêm) giải quyết TTHC cho người dân.

Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Hà Nam, hiện tại, công việc ở một số địa phương vừa thực hiện sáp nhập được duy trì ổn định, từng bước đi vào nền nếp. Tại thị trấn Tân Thanh – thị trấn mới thành lập sau khi sáp nhập 2 xã Thanh Bình, Thanh Lưu (Thanh Liêm), ngay từ sáng sớm đã có rất đông người dân có mặt ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC.

Chị Trần Thị Mai (thôn Cẩm Du) chia sẻ: Tôi đến bộ phận “một cửa” để chỉnh sửa sổ hộ khẩu và công chứng lý lịch tư pháp. Dù là đơn vị hành chính mới nhưng theo cảm quan của người dân, các dịch vụ công không có sự xáo trộn, nhất là việc giải quyết TTHC. Được sự hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ tại bộ phận “một cửa”, chỉ trong thời gian ngắn, thủ tục của tôi đã nhanh chóng hoàn thành...

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tân Thanh, sau khi sáp nhập, thị trấn có diện tích 11,7 km2, dân số gần 9.500 người với 9 thôn, tiểu khu dân cư. Mặc dù diện tích rộng, dân số đông hơn, số lượt người dân đến giao dịch cũng như khối lượng công việc cần thực hiện tăng cao… nhưng đội ngũ CBCC thị trấn đã nhanh chóng thích nghi với sự thay đổi, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu.

Đặc biệt, thực hiện chuyên đề học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2020 “Tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”, Đảng ủy thị trấn đã xây dựng kế hoạch, triển khai những việc làm cụ thể, thiết thực trong tiếp nhận, giải quyết TTHC. Khi triển khai Đề án thành lập thị trấn Tân Thanh, với quan điểm tôn trọng ý kiến của người dân, UBND 2 xã Thanh Bình, Thanh Lưu đã lập và niêm yết danh sách lấy ý kiến cử tri về đề án.

Kết quả tại Thanh Bình có 3.018/3.082 cử tri ủng hộ (đạt 97,9%), Thanh Lưu có 4.502/4.579 cử tri ủng hộ (đạt 98,3%). Nội dung đặt tên đơn vị hành chính sau sáp nhập cũng được lấy phiếu đánh giá và được đại đa số người dân ủng hộ. Ngay sau sáp nhập, 100% CBCC thị trấn thực hiện đăng ký nội dung học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó tập trung thực hiện tốt nội dung xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh, nêu cao tinh thần vì nhân dân phục vụ, để mỗi người dân đến với UBND thị trấn đều cảm thấy thực sự hài lòng.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tân Thanh, sau sáp nhập, khối lượng công việc tại bộ phận “một cửa” rất lớn nhưng CBCC thị trấn luôn nỗ lực giải quyết hoàn thành cho người dân ngay trong giờ, chậm nhất là trong ngày. Thực hiện xây dựng “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ”, tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, UBND thị trấn bố trí hòm thư góp ý, số điện thoại của cán bộ, lãnh đạo để người dân kịp thời phản ánh, kiến nghị.

Trong quá trình giao dịch, giải quyết TTHC, người dân được lấy ý kiến đánh giá mức độ hài lòng về từng lĩnh vực, từng CBCC trực tiếp tiếp nhận, trả hồ sơ. Đây cũng là một trong những tiêu chí để Đảng ủy, UBND thị trấn đánh giá, xếp loại thi đua CBCC hằng tháng, hằng quý.

Hiện tại, thị trấn đã thực hiện chuẩn hóa theo các tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008, phấn đấu chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015, tạo thuận lợi cho công dân, doanh nghiệp khi đến liên hệ giải quyết công việc. Từ khi chính thức đi vào hoạt động đến nay, thị trấn đã tiếp nhận, giải quyết đúng và trước hạn 468/468 hồ sơ (đạt 100%).

Không chỉ thị trấn Tân Thanh, tại các xã, thị trấn thực hiện sáp nhập trong tỉnh cũng đã cơ bản hoàn thành những điều kiện cần thiết như: Kiện toàn bộ máy hệ thống chính trị; bố trí sắp xếp đội ngũ CBCC, cán bộ không chuyên trách, kiểm kê bàn giao tài sản, hồ sơ tài liệu, thu hồi con dấu cũ, khắc dấu, đăng ký sử dụng con dấu mới…, bảo đảm công việc hành chính không bị ngắt quãng, tránh ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp.

Tại thị xã Duy Tiên, để tạo điều kiện cho các phường, xã thành lập mới và có sự thay đổi địa giới hành chính (như: Tiên Sơn, Yên Bắc, Duy Minh, Bạch Thượng, Hoàng Đông…) hoạt động ổn định, hiệu quả, UBND thị xã đã ban hành văn bản hướng dẫn việc triển khai thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch năm cũng như sắp xếp, bố trí vị trí làm việc của CBCC tại đơn vị hành chính mới bảo đảm khoa học, hợp lý.

Đặc biệt, các đơn vị tập trung chỉ đạo, phối hợp thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ, đẩy mạnh cải cách TTHC, chủ động tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và thực hiện các giao dịch hành chính công, xây dựng chính quyền phục vụ, nêu cao tinh thần gần dân, vì dân như nội dung chuyên đề học tập, làm theo gương Bác.

Mặc dù còn nhiều thách thức, khó khăn về địa bàn quản lý rộng, phong tục, tập quán của người dân ở mỗi khu dân cư có điểm khác nhau, điều kiện vật chất, trang thiết bị tại nơi làm việc còn hạn chế… nhưng qua thực tế cho thấy, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hứa hẹn sẽ đem lại nhiều kết quả tích cực, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Gắn đẩy mạnh CCHC với nội dung học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng sẽ là tiền đề quan trọng góp phần xây dựng nền hành chính gần dân, vì dân, đẩy lùi những biểu hiện không còn phù hợp của nền hành chính quan liêu, giấy tờ, thiếu thực tiễn.

Thanh Vân

Thanh Vân

Nguồn Hà Nam: http://www.baohanam.com.vn/chinh-tri/nang-cao-chat-luong-dich-vu-cong-tai-cac-don-vi-moi-sap-nhap-21416.html