Nâng cao chất lượng nhân sự ngành xuất bản
Nhu cầu của độc giả đa dạng và tăng cao đã đặt ra vấn đề về nhân sự cho ngành xuất bản, làm sao để người làm sách ngày nay vừa giỏi chuyên môn vừa nhạy bén với công nghệ.
Những năm gần đây, ngành xuất bản trở nên sôi động bởi phong trào khuyến đọc được đẩy mạnh trong cộng đồng. Không chỉ tăng về số lượng, xu hướng làm sách cũng ngày trở nên đa dạng và hiện đại hơn như xuất bản số, sách điện tử, sách nói, sách tinh gọn… đang được nhiều đơn vị chú trọng đầu tư.
Thị trường được mở rộng và nhu cầu của độc giả tăng lên cũng đặt ra vấn đề về nhân sự cho ngành xuất bản. Bên cạnh chi phí cho công nghệ mới, làm sao để đào tạo nhân sự vừa có chuyên môn, vừa giỏi công nghệ thông tin, tiếp cận được với độc giả qua các phương tiện truyền thông hiện đại… vẫn còn là mong mỏi của độc giả và thách thức với nhiều đơn vị xuất bản.
Nhu cầu nhân lực xuất bản trong thời đại mới
Ngoài sách truyền thống, nhiều nhà xuất bản, công ty sách đã mạnh dạn đầu tư vào mảng sách điện tử. Với 3.200 đầu sách điện tử được xuất bản và khoảng 4 triệu lượt người dùng trong năm 2022, không khó để nhìn thấy xuất bản điện tử đang là mảnh đất màu mỡ có thể được khai thác.
Theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành, các con số như số tựa sách, số bản sách bán ra, doanh thu… đều có sự tăng mạnh. Tuy nhiên, thống kê nhân sự ở các nhà xuất bản lại không thay đổi nhiều, thậm chí giảm 1%.
Chia sẻ với Tri thức Trực tuyến, ông Trương Văn Trung, trưởng ban Truyền thông & Văn hóa đọc Nhà xuất bản Thể thao & Du lịch, cho biết đơn vị đã có ý định hướng đến chuyển đổi số từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, phải đến 1-2 năm trở lại đây mới có thể bắt tay vào triển khai. Trong đó, 2 vấn đề chính dẫn đến sự trì hoãn là do chi phí đầu tư công nghệ và thiếu nhân lực để chuyển đổi số.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành xuất bản cũng là một trong những mục tiêu quan trọng của Hội Xuất bản Việt Nam.
Bà Nguyễn Hoài Anh, Phó giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, cũng cho rằng bên cạnh việc tăng cường đầu tư ứng dụng công nghệ trong quy trình làm sách, xây dựng phần mềm tạo lập và tích hợp dữ liệu, biên tập… cần phải đổi mới nguyên tắc đào tạo nhân sự nhằm đáp ứng được nhu cầu của các nhà xuất bản trong điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin.
Nhân lực thuộc thế hệ 9X về sau được cho là đối tượng dễ tiếp cận công nghệ. Tuy nhiên, những người làm xuất bản lâu năm nhận thấy lực lượng này lại chưa nhiều trong ngành xuất bản. Người trẻ tâm huyết với ngành xuất bản lại còn ít hơn.
Theo TS Vũ Thùy Dương, Trưởng khoa Khoa Xuất bản của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhu cầu của thị trường luôn cao, trong khi nguồn nhân lực đáp ứng có hạn vì sự hấp dẫn của ngành xuất bản không cao so với nhiều ngành khác năng động và thu nhập tốt hơn.
“Cơ hội dành cho người làm xuất bản ở Việt Nam hiện nay khá nhiều vì xu hướng phát triển của ngành sẽ đi lên. Trên thế giới, xuất bản là nền tảng cho truyền thông phát triển. Hơn nữa, những năm gần đây Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện thúc đẩy ngành xuất bản Việt Nam phát triển”, bà Dương chia sẻ.
Hợp tác nâng cao chất lượng nhân lực
Theo TS Vũ Thùy Dương, người làm xuất bản hiện nay có cơ hội tiếp cận với cách làm xuất bản chuyên nghiệp, hiện đại của thế giới, được trao đổi, giao dịch với những nhà xuất bản uy tín trong và ngoài nước, được thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật những kiến thức chuyên ngành, những xu hướng xuất bản hiện đại hiện nay…
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của người làm xuất bản Việt Nam hiện nay là phải đối phó với nạn vi phạm bản quyền xuất bản, đặc biệt nhiều hình thức vi phạm đang ngày càng tinh vi và khó xử lý trên môi trường số. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các phương tiện truyền thông, mạng xã hội buộc những người làm xuất bản phải có những giải pháp thu hút độc giả, thay đổi nhận thức và hành động của độc giả để tạo dựng thói quen văn hóa đọc tại Việt Nam.
“Công nghệ không phải là thách thức. Thách thức là làm thế nào để nhân viên thích ứng được công nghệ. Chúng ta không thể dễ dàng sa thải họ, mà phải nâng họ lên để đáp ứng được đòi hỏi của xuất bản số”, ông Nguyễn Cảnh Bình - CEO của Alphabooks - chia sẻ.
Xuất bản điện tử đang là lĩnh vực được đông đảo sinh viên và người làm công tác giảng dạy quan tâm. Nắm bắt được các xu hướng mới, từ năm 2019, Khoa Xuất bản - Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tuyển sinh chuyên ngành Xuất bản điện tử nhằm đáp ứng nhu cầu về nhân lực xuất bản điện tử đang rất thiếu của các đơn vị xuất bản.
Chương trình đào tạo bao gồm các môn học về xuất bản sách nói, xuất bản sách điện tử, kỹ thuật công nghệ xuất bản điện tử… được xây dựng bởi các nhà khoa học, chuyên gia và các đơn vị làm xuất bản điện tử ở Việt Nam hiện nay.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành xuất bản cũng là một trong những mục tiêu quan trọng của Hội Xuất bản Việt Nam. Theo đó, Hội Xuất bản, phối hợp với các đơn vị khác như Cục Xuất bản, In và Phát hành, Khoa Xuất bản - Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Khoa Xuất bản - Đại học Văn hóa… tổ chức các hoạt động, hội thảo, các lớp tập huấn về nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho các hội viên và lực lượng làm công tác xuất bản, phát hành sách.
Nhận thấy nhu cầu cấp thiết đó, một số hội viên đi đầu của Hội trong lĩnh vực xuất bản số như Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Công ty cổ phần sách điện tử WAKA, Công ty cổ phần công nghệ V&V, Công ty TNHH công nghệ WeWe… cũng đã đồng hành cùng Khoa xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong việc cử chuyên gia hướng dẫn thực hành, thực tập, thực tế nghề cho sinh viên.
“Sau 3 năm hoạt động trong lĩnh vực sách nói, chúng tôi đã nhận được nhiều bài học và kinh nghiệm. Chúng tôi hy vọng có thể đem kinh nghiệm của mình để chia sẻ với các đơn vị khác, giúp giảm thiểu chi phí học hỏi, xây dựng công nghệ và lực lượng nhân sự với xuất bản phẩm số”, bà Nguyễn Thị Tâm Hằng, Giám đốc Vận hành Công ty Cổ phần Công nghệ Wewe, cho biết.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nang-cao-chat-luong-nhan-su-nganh-xuat-ban-post1444021.html