Nâng cao đời sống tinh thần, tuyên truyền chính sách đến bà con đồng bào dân tộc

Bên cạnh nâng cao đời sống tinh thần, chiếu phim lưu động còn tuyên truyền các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Hàng chục năm nay, bà con đồng bào vùng biên giới đều háo hức chờ đợi những bộ phim được mang đến bởi đội chiếu bóng lưu động của Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh Quảng Bình.

Bản Lòm, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa nằm ở vùng thượng nguồn sông Gianh, cuối con đường độc đạo dẫn từ QL 12A đến sát biên giới Việt – Lào, con đường vắt ngang dãy Giăng Màn, kết nối nhiều bản làng người Chứt ở xã Trọng Hóa.

Để đến bản Lòm phải đi qua 6 bản người Khùa, người Mày (dân tộc Chứt). Bản có gần 90 hộ đồng bào Chứt quần tụ cạnh con suối. Bao đời nay đồng bào nơi đây dựa vào rừng, nay dân bản háo hức tiếp thu kiến thức trồng lúa nước để xóa đói.

Người dân bản Lòm, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa xem phim lưu động. Ảnh: X. Thi

Người dân bản Lòm, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa xem phim lưu động. Ảnh: X. Thi

Cùng với việc chăm lo đời sống vật chất, vấn đề văn hóa, tinh thần của đồng bào nơi đây cũng được quan tâm. Ngoài việc bảo tồn, phát huy văn hóa bản địa, các đơn vị còn đẩy mạnh việc mang văn hóa hiện đại đến với dân bản.

Từ thành phố Đồng Hới, chiếc xe chở đầy thiết bị của đội chiếu phim tuyên truyền lưu động thuộc Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh Quảng Bình len lỏi dưới những tán rừng để đến với bản Lòm. Bản nằm sâu trong rừng già, không có điện lưới, sóng điện thoại chập chờn. Nguồn sáng hiếm hoi vào ban đêm từ những chiếc bóng năng lượng mặt trời dọc con đường chính được bộ đội biên phòng tặng. Khác với các điểm chiếu khác, để chiếu phim ở bản Lòm phải chuẩn bị nhiều máy móc hơn.

Từ trung tâm xã Trọng Hóa vào đến bản Lòm dài hơn 20km với những khúc cua tay áo, một bên là vách núi, một bên là vực sâu, qua những dốc cao và ngầm sâu. Chiếc xe chở đội chiếu phim lưu động mang theo loa, âm ly, màn ảnh rộng, đầu chiếu phim HD… cứ nhảy xóc lên trên đoạn đường gập ghềnh.

Khi trời chập choạng tối, đội chiếu phim đã đến Nhà văn hóa bản Lòm, mọi người khẩn trương lắp máy, treo màn chiếu, bắc loa, kiểm tra phát máy điện… Tiếng loa thông báo giờ chiếu phim vang lên mời gọi bà con thu xếp công việc đến Nhà văn hóa bản để xem phim. Màn đêm buông xuống giữa đại ngàn, không khí trong bản nhộn nhịp khác hẳn ngày thường. Tiếng máy nổ xình xịch, tiếng hát trên loa phóng thanh nghe rộn ràng, náo nức,… dân bản đội đèn pin đến điểm xem chiếu phim.

Em Hồ Thị Đông, ở bản Lòm, xã Trọng Hóa tâm sự, lần đầu tiên em được xem phim màn ảnh rộng tại bản, mọi thứ rất cuốn hút em. “Hôm nay cháu và các bạn xem phim rất hay. Cháu mong muốn được xem nhiều lần hơn nữa. Cháu sẽ cố gắng học tập để sau này có điều kiện mang nhiều thứ hiện đại về bản cho bà con xem, sử dụng”.

Sau buổi chiếu phim, dù đã nửa đêm nhiều người còn nấn ná ở lại hỏi các nhân viên trong đội, “tối mai chiếu phim ở bản nào, phim gì thế các chú?” để đồng bào đến xem. Lịch chiếu được sắp xếp tại bản Dộ - Tà Vờng và trong những ngày tiếp theo ở các bản Chà Cáp, Si Mới, Ka Oóc, Ra Mai… bà con lại sắp xếp thời gian đến các bản gần hơn xem chiếu phim.

Các đội chiếu phim lưu động cũng nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người dân đồng bào để lựa chọn các chương trình phim có nội dung phù hợp trong việc tuyên truyền những thông tin bổ ích thiết thực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, mang lại hiệu quả kép vừa là món ăn tinh thần cho người dân, vừa mang lại hiệu quả trong công tác tuyên truyền.

Mỗi năm, đội chiếu phim tuyên truyền lưu động của Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh Quảng Bình phục vụ hơn 500 buổi chiếu phim tại các xã. Đối với người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, được xem những buổi chiếu phim lưu động giúp bà con có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.

“Để phục vụ tốt cho công tác chiếu bóng cho các xã vùng sâu, vùng xa. Trung tâm đã chỉ đạo các đội chiếu bóng lưu động phối hợp với chính quyền địa phương vừa kết hợp chiếu bóng lưu động nhưng phải vừa kết hợp tuyên truyền các chủ trương, chính sách ở địa phương, để giúp cho địa phương trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật với đồng bào miền núi vùng sâu vùng xa hiệu quả hơn”. Ông Phạm Xuân Sỹ, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh Quảng Bình cho biết.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nang-cao-doi-song-tinh-than-tuyen-truyen-chinh-sach-den-ba-con-dong-bao-dan-toc-2328549.html