Nâng cao hiệu quả kinh tế của cây na

Toàn tỉnh hiện có trên 350 ha trồng na, tập trung nhiều ở huyện Mai Sơn, Thuận Châu và Yên Châu. Những năm qua, mặc dù người dân đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhưng trong quá trình trồng, chăm sóc cây na còn gặp một số vấn đề, như: Quả na chín tập trung, thời gian thu hoạch ngắn, kỹ thuật trồng và chăm sóc na chưa đảm bảo, hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng, trồng chưa theo quy hoạch...

Khắc phục hạn chế, năm 2019, tỉnh phê duyệt Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ xây dựng mô hình thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng, rải vụ thu hoạch trong sản xuất na tại Sơn La” do Thạc sĩ Đỗ Thị Minh Hải, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn làm chủ nhiệm.

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra việc thực hiện đề tài tại HTX Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn.

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra việc thực hiện đề tài tại HTX Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn.

Mục tiêu của đề tài nhằm xây dựng quy trình thâm canh na áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp, từng bước nâng cao năng suất chất lượng, rải vụ thu hoạch, từ đó chuyển giao kết quả nghiên cứu cho cơ sở áp dụng vào thực tế sản xuất mang lại giá trị kinh tế cho người dân. Quá trình triển khai đề tài, nhóm nghiên cứu đã khảo sát, điều tra đánh giá điều kiện đất, nhu cầu sản xuất, trên cơ sở đó đã lựa chọn 3 huyện Mai Sơn, Yên Châu và Mộc Châu thực hiện đồng bộ các biện pháp canh tác rải vụ na, như: Cắt tỉa, cưa đốn, bón phân, thụ phấn cho cây na.

Gia đình ông Nguyễn Quốc Hội, thành viên HTX Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, được nhóm thực hiện đề tài lựa chọn để triển khai thực hiện kỹ thuật canh tác rải vụ trên diện tích 1 ha vườn na dai của gia đình. Sau gần 3 năm triển khai, kết quả cho thấy, thời gian đốn tỉa phù hợp là từ 15/1 đến đầu tháng 2 trong năm, lúc này cây đã có một khoảng thời gian ngủ nghỉ, tích lũy dinh dưỡng, thời tiết khí hậu thuận lợi cho việc sinh trưởng phát triển cây trồng, vì vậy số lượng lộc ra nhiều, thời gian ra hoa ngắn và tập trung hơn. Đối với phương pháp đốn tỉa, thực hiện đốn lửng, để lại những cành có đường kính từ 1,5 cm trở lên, cách đầu cành 30-40 cm sẽ cho năng suất, chất lượng quả cao nhất. Ông Hội thông tin: Thực hiện các biện pháp bón phân, cắt cành, tạo tán, thụ phấn rải vụ thu hoạch na, tôi thấy quả na đều, có mẫu mã đẹp, tỷ lệ quả xấu giảm hẳn, năng suất cao hơn.

Nhóm thực hiện đề tài còn tiến hành trồng mới 3 ha na dai với các biện pháp kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng, rải vụ thu hoạch tại 3 huyện Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu. Sau hơn 2 năm chăm sóc, năm 2021, cây na đã cho thu hoạch. Gia đình ông Nguyễn Văn Sơn, ở bản Bó Phương, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu được nhóm thực hiện đề tài lựa chọn để trồng 1 ha với 600 cây na dai từ tháng 6/2019. Gia đình ông Sơn được hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc và các giải pháp thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng, rải vụ thu hoạch. Ông Sơn chia sẻ: Cây sinh trưởng, phát triển tốt, năm 2021, cây cho quả bói, được 2 tấn quả, chất lượng, mẫu mã quả đẹp, giá bán trên 30.000 đồng/kg.

Thạc sĩ Đỗ Thị Minh Hải cho biết: Sau khi áp dụng các quy trình kỹ thuật rải vụ, quả na có mẫu mã đẹp. Trước đây, tỷ lệ quả vẹo, quả không cân đối, quả nhỏ nhiều, mỗi năm chỉ thu được 1 vụ, đến nay mẫu mã màu sắc quả đẹp, quả to, tròn đều hơn, na thu hoạch rải 3 vụ/năm.

Sau khi áp dụng thành công các biện pháp rải vụ na và kết quả từ mô hình trồng mới, nhóm thực hiện đề tài, Trường Cao đẳng Sơn La đã phối hợp với các huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kết quả nghiên cứu cho người dân tại các địa phương. Ông Lưu Bình Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết: Chúng tôi phối hợp với ngành Nông nghiệp và PTNT cùng các địa phương chuyển giao kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn sản xuất; khuyến khích phát triển cây na trên diện tích đồi đất dốc kém hiệu quả, gắn việc mở rộng vùng trồng với phát triển thương hiệu cho quả na.

Những kết quả đạt được của đề tài, là cơ sở khoa học để các ngành, huyện quy hoạch vùng sản xuất na tập trung, từng bước đưa cây na trở thành cây trồng chủ lực, hướng tới xây dựng thương hiệu na Sơn La, góp phần làm phong phú thêm danh mục các loại trái cây của tỉnh Sơn La.

Duy Tùng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nang-cao-hieu-qua-kinh-te-cua-cay-na-52770