Nâng cao kiến thức pháp luật cho lao động nhập cư

Từ đầu năm 2019 đến nay, tại một số khu nhà trọ trên địa bàn tỉnh, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh) đã triển khai dự án Nâng cao năng lực cho người lao động (NLĐ) nhập cư tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2 (2019-2021). Đối tượng được dự án này nhắm tới là NLĐ làm việc trong ngành dệt may và điện tử.

Nhóm công nhân nòng cốt TP.Biên Hòa tư vấn, hỗ trợ pháp luật về lao động cho người lao động nhập cư phường Long Bình

Nhóm công nhân nòng cốt TP.Biên Hòa tư vấn, hỗ trợ pháp luật về lao động cho người lao động nhập cư phường Long Bình

Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 1,2 triệu người lao động, trong đó lực lượng lao động nhập cư chiếm tới 60% và tập trung tương đối lớn ở ngành may mặc và điện tử. So với NLĐ địa phương, NLĐ nhập cư tại Đồng Nai có điều kiện sinh sống khó khăn, ít hiểu biết pháp luật nên rất cần được nâng cao kiến thức pháp luật để có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình.

* Giải đáp nhiều thắc mắc

Từ đầu năm 2019 đến nay, tại các buổi tư vấn pháp luật ở một số khu nhà trọ phường: Long Bình, Trảng Dài, xã Hóa An (TP.Biên Hòa) đã thu hút hàng trăm công nhân tham gia. Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn đã nhận được nhiều câu hỏi từ phía công nhân đặt ra liên quan đến vấn đề về: bảo hiểm thất nghiệp, tranh chấp lao động, hợp đồng lao động, thành lập Công đoàn cơ sở, chế độ thai sản...

Luật sư Lê Tấn Tý, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn cho biết, để dự án Nâng cao năng lực cho NLĐ nhập cư tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2 đạt hiệu quả cao, đòi hỏi đội ngũ tư vấn phải có kiến thức pháp luật sâu, chuyên ngành, lĩnh vực và đa ngành, đa lĩnh vực thì các thắc mắc của NLĐ mới được giải đáp thỏa đáng và đúng luật; đồng thời những người tham gia dự án cũng phải có khả năng tư vấn, hỗ trợ, bảo vệ cho người lao động.

Nhiều tình huống được đưa ra đều đã được các luật sư, luật gia của Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn giải đáp, hướng dẫn thấu đáo. Cụ t hể như qua tư vấn của luật sư, luật gia của Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn, chị B.T.H. (Công ty TNHH A., Khu công nghiệp Biên Hòa 2) mới hiểu việc chị cho em gái mượn hồ sơ đi làm là sai và phát sinh nhiều phiền phức.

“Đến khi tôi xin đi làm công nhân, tôi không thể tham gia bảo hiểm xã hội với thông tin của chính mình. Nhờ hướng dẫn của luật sư, tôi mới biết có quy định cho phép thay đổi nhân thân khi mượn hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội. Tôi sẽ về làm thủ tục thay đổi thông tin trên sổ bảo hiểm xã hội của mình” - chị H. bộc bạch.

Còn Nguyễn Thị Ngọc Xanh (Công ty TNHH A.S, Khu công nghiệp Long Bình) cho hay, chị thấy các buổi tư vấn pháp luật lưu động ở khu nhà trọ rất hữu ích. Nhờ đó công nhân hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình. Không chỉ tư vấn về pháp luật, các luật sư còn sẵn sàng hỗ trợ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho công nhân lao động nếu phía công ty không đảm bảo quyền lợi cho công nhân theo quy định.

* Nâng cao hiểu biết pháp luật

Một trong những kết quả nổi bật khi thực hiện dự án Nâng cao năng lực cho NLĐ nhập cư tỉnh Đồng Nai giai đoạn 1 (2018-2019) là đã giúp cho hàng ngàn NLĐ trong ngành dệt may, điện tử nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, có các kỹ năng sống cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho bản thân và những người xung quanh; đào tạo hơn 200 công nhân nòng cốt có kiến thức pháp luật vững vàng, có các kỹ năng tuyên truyền và tư vấn pháp luật, sẵn sàng hỗ trợ cho người lao động khi có yêu cầu.

Mục tiêu của dự án Nâng cao năng lực cho NLĐ nhập cư tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2 (2019-2021) là sẽ tư vấn pháp luật, hỗ trợ cho hơn 2 ngàn NLĐ trong ngành dệt may, điện tử; đào tạo 150 công nhân nòng cốt mới ở các địa phương tập trung nhiều nhà trọ ven các khu công nghiệp như: TP.Biên Hòa, các huyện: Trảng Bom, Nhơn Trạch, Long Thành...

Luật sư Vũ Ngọc Hà cho rằng vai trò của các công nhân nòng cốt rất quan trọng trong việc hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn cho NLĐ khi gặp các vướng mắc về pháp luật. Họ tích cực nắm bắt thông tin dư luận xã hội, đặc biệt là công nhân lao động để kiến nghị với các cơ quan chức năng trong tỉnh giải quyết vướng mắc của NLĐ. Do đó, lực lượng này đều được tuyển chọn từ đội ngũ cán bộ Công đoàn cấp cơ sở. Họ được đào tạo các kỹ năng: nói, tập hợp người lao động, sinh hoạt nhóm để cùng với các chuyên gia tổ chức các buổi tư vấn pháp luật lao động và dần dần có thể tự tổ chức tuyên truyền pháp luật cho NLĐ, góp phần trực tiếp giúp NLĐ nâng cao hiểu biết pháp luật để biết bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/201906/nang-cao-kien-thuc-phap-luat-cho-lao-dong-nhap-cu-2949757/