Nâng cao mức sống, thu nhập của người dân vùng đồng bào dân tộc
Ngày 19-6, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 với các chính sách cụ thể, nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, mức sống giữa khu vực thuận lợi và khó khăn. Đồng thời, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; chăm lo giữ gìn đời sống văn hóa truyền thống, chăm lo sức khỏe của đồng bào; phát huy truyền thống đoàn kết để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…
Theo đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An), việc bố trí ngân sách Trung ương để đảm bảo thực hiện chương trình đã khó, việc địa phương đối ứng kinh phí để đảm bảo thực hiện chương trình còn khó hơn, bởi đa số các tỉnh được thụ hưởng chính sách đều là tỉnh nghèo, hiện đang hưởng trợ cấp ngân sách Trung ương.
Để tránh tình trạng không thực hiện được chính sách ban hành; thực hiện dàn trải, lãng phí hoặc ảnh hưởng đến các chương trình khác, bà Hoàng Thị Thu Trang cho rằng, cần xây dựng lộ trình theo giai đoạn hoặc theo từng năm, xác định những việc làm cụ thể theo hướng chọn một số dự án trọng tâm, trọng điểm; dự án mang tính cấp thiết, đột phá, có tính dẫn dắt để làm trước. “Thay vì thực hiện cùng một lúc 10 dự án như trong dự thảo chương trình, trong giai đoạn đầu chỉ nên tập trung một số dự án như giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; dự án ổn định sắp xếp lại dân cư; dự án phát triển sản xuất, đầu tư hạ tầng và dự án phát triển giáo dục. Có như vậy mới đảm bảo được nguyên tắc của Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội đã đặt ra, đó là ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo hiệu quả, hiệu lực đầu tư”, bà Hoàng Thị Thu Trang nhấn mạnh.
Về cơ cấu vốn ngân sách Trung ương để thực hiện chương trình, theo dự kiến, trong giai đoạn 2021-2025, vốn đầu tư phát triển là 50.629 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 54.324 tỷ đồng. Như vậy, tỷ trọng vốn sự nghiệp chiếm hơn 50% trong tổng mức đầu tư của dự án. Một số dự án thành phần như Dự án phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với bảo vệ và phát triển rừng và nâng cao thu nhập cho người dân sử dụng toàn bộ vốn sự nghiệp là 16.316 tỷ đồng; dự án về đầu tư phát triển nhóm dân tộc ít người, nhóm nông dân tộc còn nhiều khó khăn là 7.191 tỷ đồng, trong đó, vốn sự nghiệp chiếm trên 70%.
Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) cho rằng, tỷ trọng kinh phí hỗ trợ hoạt động chi thường xuyên khá lớn so với các chương trình đã và đang thực hiện, có thể dẫn đến khó khăn trong việc duy trì hiệu quả của chương trình trong dài hạn. Mặt khác, định mức một số khoản chi được nâng lên gấp từ 1,5 đến 2 lần so với định mức hiện hành. Do vậy, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn đề nghị cần rà soát lại, bố trí theo hướng giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển, giảm các khoản chi trực tiếp để thực hiện tốt chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm; hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong dài hạn.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh), nguồn lực Chính phủ phê duyệt trên 137.000 tỷ đồng là nền tảng chứ chưa thể phúc đáp được các ý tưởng trong chương trình này. Vì thế, vấn đề xã hội hóa ở đây không chỉ là huy động các doanh nghiệp, đơn vị mà các tổ chức và chính quyền các cấp. Trong phân bổ nguồn lực của chương trình, tỷ lệ gói tín dụng cho người dân trên 19.000 tỷ đồng là còn ít. Cần hỗ trợ lãi suất để người dân chủ động vay phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cũng như đời sống vật chất, tinh thần.
Giải trình một số vấn đề đại biểu băn khoăn, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định, Chương trình mục tiêu quốc gia được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc khó khăn nhất. Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện phương châm “Dân cần, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”. Đa dạng hóa nguồn lực, trong đó, ngân sách Nhà nước là quan trọng và có ý nghĩa quyết định, ưu tiên phân bổ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trong thực hiện chương trình; huy động, khuyến khích sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.