Nâng cao năng lực truyền thông, ngăn chặn tác hại thuốc lá với thế hệ trẻ
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) mới tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc l á cho phóng viên, biên tập viên báo, đài cù ng các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông, Phòng Văn hóa, thông tin tại TP HCM.
Theo kết quả điều tra sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên (GYTS 2022), tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi 13-15 tuổi là 3.5% (nam là 4.3%, nữ là 2.8%). Kết quả điều tra về thuốc lá ở người trưởng thành PGATS 2020 có 52% người trong độ tuổi 15-24 từng nghe tới thuốc lá điện tử; 7,3% người trong độ tuổi 15- 24 hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử.
Ông Hồ Hồng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông
Trong phần phát biểu khai mạc, ông Hồ Hồng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, nếu chúng ta không quyết liệt ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới tại Việt Nam thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại. Việt Nam sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn rất nhiều trong tương lai gần và các kết quả đạt được sẽ bị phá bỏ.
Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy, việc nâng cao năng lực truyền thông về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới là biện pháp quan trọng để đạt mục tiêu giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng. Hoạt động này thực sự cần thiết, phải tiến hành thường xuyên đảm bảo việc truyền thông được liên tục, nâng cao chất lượng tuyên truyền, đảm bảo hiệu quả của chương trình.
Bà Nguyễn Hạnh Nguyên, tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam
Tổng quan về quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm thuốc lá mới tại Việt Nam, các hình thức tiếp cận giới trẻ, Thạc sĩ Nguyễn Hạnh Nguyên, tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam chia sẻ: Các sản phẩm như thuốc lá điện tử - TLĐT có chứa các chất độc hại, gây bệnh tật, tử vong, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả người hút và người xung quanh, gây ra các tác hại về xã hội, kinh tế, môi trường...
Sản phẩm được thiết kế kiểu dáng phong phú, màu sắc bắt mắt theo thị hiếu giới trẻ nhằm thu hút người sử dụng, đặc biệt là thanh thiếu niên. Các cách thức quảng cáo, tiếp thị sản phẩm nhắm vào giới trẻ, sử dụng các kênh thông tin phổ biến của giới trẻ (facebook, tiktok), sử dụng thanh thiếu niên để quảng cáo. Tỷ lệ sử dụng TLĐT trong thanh thiếu ở Việt Nam đã gia tăng trong những năm gần đây, đặc biệt ở học sinh nữ.
Trong khi Bộ Y tế đang hoàn chỉnh báo cáo đánh giá 10 năm thực hiện Luật PCTH thuốc lá và đề xuất bổ sung sửa đổi Luật, Bộ Y tế cũng đề xuất với Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết về việc cấm sử dụng và kinh doanh các sản phẩm thuốc lá mới tại Việt Nam.
Toàn cảnh hội nghị
Ngày 31/8/2023, Chính phủ đã có Tờ trình số 423/BC-CP trình Quốc hội Báo cáo kết quả hoạt động, sử dụng Quỹ PCTH thuốc lá 2 năm (2021-2022), trong đó có kiến nghị Quốc hội: “Xem xét và ban hành Nghị quyết của Quốc hội về cấm sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng”.
Như vậy, ngoài việc hoàn thiện pháp luật, Việt Nam cần thực hiện các biện pháp kiểm soát thị trường, đẩy mạnh thực thi và tăng cường các quy định về chống buôn lậu, quảng cáo và bán các sản phẩm TLĐT để ngăn chặn sự gia tăng sử dụng trong thanh thiếu niên. Cần ban hành chính sách cấm lưu hành thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá nung nóng tại Việt Nam theo khuyến cáo của Bộ Y tế.