Nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống mua bán người

Hành vi mua bán người không những xâm hại đến quyền con người, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần, tính mạng của nạn nhân mà còn gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người (30/7):

Chị Vũ Thị Thùy là thành viên Ban Quản lý dự án Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về - mô hình Nhà nhân ái (đơn vị do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh quản lý). Đồng hành với chị trong chuyến đi truyền thông về phòng, chống mua bán người tại xã biên giới Pha Long (huyện Mường Khương), chị chia sẻ: Hằng năm Ban Quản lý dự án đều xây dựng kế hoạch và triển khai những chuyến đi truyền thông về công tác phòng, chống mua bán người tại các trường học trong tỉnh và tại chợ phiên ở các xã biên giới thuộc các huyện Si Ma Cai, Mường Khương, Bảo Thắng, Bát Xát… Rất nhiều nội dung được tuyên truyền như: Biện pháp, kỹ năng xử lý các nguy cơ bị xâm hại, bị lừa bán hay năng lực nhận biết âm mưu, phương thức, thủ đoạn, tác hại của tội phạm mua bán người. Từ đó hỗ trợ người dân, nhất là học sinh có chuyển biến tích cực về nhận thức và phòng, tránh loại tội phạm này.

Tuyên truyền phòng, chống mua bán người tại chợ phiên xã Pha Long, huyện Mường Khương tháng 7/2022.

Tuyên truyền phòng, chống mua bán người tại chợ phiên xã Pha Long, huyện Mường Khương tháng 7/2022.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, loại tội phạm mua bán người, nhất là mua bán phụ nữ, trẻ em có chiều hướng phức tạp và thủ đoạn của tội phạm ngày càng tinh vi. Các đối tượng tội phạm thường nhắm vào những phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế; phụ nữ ở các thôn, bản vùng cao, vùng xa có trình độ nhận thức hạn chế, nhẹ dạ cả tin; thanh niên đua đòi thích ăn chơi, lười lao động… Chúng thường tiếp cận làm quen, dụ dỗ, lừa gạt, hứa hẹn giúp đỡ đưa đi tìm việc nhẹ, lương cao hoặc giả vờ yêu đương, hứa hẹn kết hôn để lừa gạt bán ra nước ngoài.

Đặc biệt, với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trong những năm vừa qua, các đối tượng tội phạm đã lợi dụng khoa học công nghệ, mạng internet, thay đổi phương thức, thủ đoạn, gia tăng hoạt động phạm tội. Đồng thời, các đối tượng tội phạm mở rộng địa bàn lừa gạt nạn nhân, không chỉ lừa nạn nhân ở những tỉnh giáp biên giới mà còn ở các tỉnh nằm sâu trong nội địa và liên tục thay đổi địa bàn hoạt động. Thời gian gần đây, chúng chuyển hướng tập trung lừa gạt học sinh, sinh viên các trường học trong và ngoài tỉnh.

Cùng tham gia buổi truyền thông với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Long, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pha Long cho biết: Đồn Biên phòng Pha Long quản lý hơn 16 km đường biên tiếp giáp với Trung Quốc, thuộc 2 xã Pha Long và Tả Ngài Chồ (huyện Mường Khương). Để thực hiện tốt công tác phòng, chống mua bán người, những năm qua, đơn vị thường xuyên bám nắm địa bàn, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt phong trào “Quần chúng nhân dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản khu vực biên giới”. Bên cạnh đó, chủ động cập nhật và dự báo tình hình các loại tội phạm có thể xảy ra trên tuyến biên giới... Từ đó đề ra giải pháp xử lý tình huống, không để bị động, bất ngờ.

Tại buổi tuyên truyền, chúng tôi gặp Giàng Thị Mẩy, học sinh Trường PTDT bán trú THCS Pha Long. Mẩy chia sẻ: Qua buổi truyền thông và được các chú bộ đội biên phòng tuyên truyền, cháu và các bạn có thêm kiến thức, biết nhiều hành vi của tội phạm để phòng, tránh và sẽ bảo vệ bản thân tốt hơn.

Ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 793 lấy ngày 30/7 hằng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” (trùng với Ngày thế giới phòng, chống mua bán người) với mục tiêu huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc.

Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người, Lào Cai đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người. Chế độ hỗ trợ nạn nhân trở về đều được đảng ủy, chính quyền các cấp và các ngành quan tâm, triển khai kịp thời. Nội dung, hình thức tuyên truyền thường xuyên có sự đổi mới, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, từng khu vực như trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, loa phát thanh tại các xã, phường, thị trấn và trường học… Chỉ tính riêng 7 tháng năm 2022, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh tới cơ sở đã tổ chức gần 70 buổi truyền thông với hơn 14.000 lượt người tham gia.

Chị Vũ Thị Tân, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết: Chung tay trong công tác phòng, chống mua bán người, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh vừa phối hợp với Tổ chức Samaritan's Purse International Relief và huyện Si Ma Cai tổ chức chiến dịch truyền thông phòng, chống mua bán người và di cư an toàn năm 2022. Nội dung tập trung tuyên truyền về phòng, chống mua bán người và di cư an toàn gắn với bản sắc văn hóa, phong tục địa phương; truyền thông về phòng, chống mua bán người tại địa bàn huyện Si Ma Cai thông qua các tiểu phẩm, giao lưu tìm hiểu kiến thức phòng, chống mua bán người; giới thiệu tài liệu, tranh, ảnh về chủ đề phòng, chống mua bán người và phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội…

Ông Nguyễn Tường Long, Giám đốc Ban Quản lý dự án Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về - mô hình Nhà nhân ái cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị đã tổ chức 12 buổi truyền thông tại các phiên chợ vùng cao và trường học trên địa bàn tỉnh, thu hút hơn 3.500 người tham dự. Qua các buổi truyền thông, người dân (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số) cũng như học sinh được nâng cao nhận thức về âm mưu, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, nhận diện được nạn nhân cũng như kẻ mua bán người và có những kỹ năng cần thiết để không trở thành nạn nhân bị mua bán. Đồng thời, in ấn 3.000 tờ rơi “Chung tay ngăn chặn nạn mua bán người”, 480 quyển “Sổ tay di cư an toàn” cấp phát cho học sinh, sinh viên và người dân các xã có nguy cơ cao về nạn mua bán người. Từ đầu năm đến nay, Nhà nhân ái Lào Cai tiếp nhận 5 nạn nhân; các nạn nhân bị mua bán trở về đều được hỗ trợ đầy đủ chế độ, chính sách theo quy định như được tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe, giáo dục kỹ năng sống, hỗ trợ học nghề, học văn hóa theo nhu cầu và đã trở về địa phương nơi cư trú.

Theo Sở Lao động - Thương bình và Xã hội tỉnh, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người, sở sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống mua bán người. Trong đó, chú trọng tổ chức tuyên truyền hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” năm 2022 phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu linh hoạt bảo đảm thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Chỉ khi ý thức cảnh giác của mỗi người dân được nâng lên thì công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm mua bán người nói riêng mới thực sự đạt kết quả. Từ đó sẽ không còn những câu chuyện buồn của những nạn nhân trong các vụ việc mua bán người, góp phần ổn đình tình hình an ninh, trật tự địa phương.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/358977-nang-cao-nhan-thuc-cua-nguoi-dan-ve-phong-chong-mua-ban-nguoi