Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của doanh nghiệp về quản lý chất thải

Hưởng ứng Ngày môi trường thế giới (5/6), Tháng hành động vì môi trường, chào mừng kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường (5/8/2002 – 5/8/2022) , ngày 2/6/2022, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Diễn đàn Môi trường năm 2022, với chủ đề 'Quản lý chất thải và trách nhiệm của doanh nghiệp'.

Chủ trì Diễn đàn có ông Nguyễn Thượng Hiền – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường; TS. Đào Xuân Hưng - Tổng biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường; PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tham dự Diễn đàn có ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân Nguyện Quốc hội

Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 60.000 – 70.000 tấn/ngày

Phát biểu khai mạc diễn đàn, TS. Đào Xuân Hưng, Tổng biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Trưởng ban tổ chức diễn đàn cho biết, Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa mạnh mẽ. Cùng với đó là sự gia tăng dân số, kéo theo chất thải rắn và rác thải sinh hoạt tăng về khối lượng gây áp lực lớn cho công tác bảo vệ môi trường. Theo số hiệu ước tính, hiện nay trên cả nước chỉ tính riêng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 60.000 – 70.000 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị chiếm 60%. Đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dự báo tăng 10-16%/năm.

Về vấn đề xử lý rác thải, hiện nay có trên 70% sản lượng rác được xử lý bằng phương thức chôn lấp, trong đó, chỉ có 15% rác thải chôn lấp hợp vệ sinh. Vấn đề xử lý nước rỉ rác là một việc rất phức tạp và tốn kém, đặc biệt là công nghệ chôn lấp hiện nay vẫn chưa thu gom được khí mê tan - một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiệu ứng khí nhà kính.

TS. Đào Xuân Hưng phát biểu khai mạc diễn đàn

TS. Đào Xuân Hưng phát biểu khai mạc diễn đàn

Hiện nay, thách thức lớn nhất là giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, cụm chế xuất, làng nghề; thúc đẩy phân loại, thu gom chất thải rắn, rác thải sinh hoạt tại nguồn; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tái chế, xử lý chất thải rắn, rác thải sinh hoạt, giảm dần việc chôn lấp trực tiếp chất thải; khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm, suy thoái tài nguyên đất.

Do đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, được Quốc hội Khóa XIV thông qua ngày 17/11/2020 gồm 16 chương, 171 điều và có hiệu lực thi hành toàn diện từ 01/01/2022. Với nhiều điểm mới mang tính đột phá, trong đó có vấn đề quản lý chất thải. Là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả về công tác bảo vệ môi trường.

Nhằm tích cực phổ biến và truyền thông hiệu quả Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, để định hướng các địa phương và doanh nghiệp trong quản lý, đầu tư, xử lý chất thải hướng đến phát triển bền vững. TS. Đào Xuân Hưng nhấn mạnh: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp là yếu tố tiên phong, với chức năng của mình, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường với mong muốn thông qua diễn đàn này, góp phần Truyền thông chính sách nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp - doanh nhân và người dân về việc tăng cường quản lý, xử lý chất thải, tái chế rác thải, hạn chế, giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần, sống thân thiện với môi trường và có sáng kiến áp dụng công nghệ tiến tiến vào sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm bớt phát thải gây ô nhiễm môi trường và hiệu ứng khí nhà kính, vì cuộc sống xanh cho cộng đồng xã hội, đó cũng là tiêu chí để xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời đại số.

Thông điệp của diễn đàn môi trường năm 2022, là kêu gọi sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp tích cực thực thi những chính sách mới trong Luật bảo vệ môi trường năm 2020 và có những giải pháp phù hợp trong sản xuất kinh doanh bảo vệ môi trường sống an toàn, trong lành cho cộng đồng xã hội, đồng thời hướng tới các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, để đảm bảo sự phát triển bền vững, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và môi trường sống của nhân dân”.

Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của doanh nghiệp trong xử lý chất thải

Theo PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường), Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng. Việc thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường giúp các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường quốc tế và đảm bảo phát triển bền vững. Quản lý chất thải hiệu quả tại các doanh nghiệp là cơ sở để hình thành mô hình kinh tế tuần hoàn theo nguyên tắc giảm thiểu sử dụng nguồn tài nguyên, tái tạo tài nguyên, giảm phát sinh chất thải, gia tăng vòng đời sử dụng sản phẩm bằng tái sử dụng, tân trang và tái chế.

PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ cho biết, Năm 2021, tổng khối lượng chất thải rắn

sinh hoạt phát sinh trên địa bàn 47/63 tỉnh/thành phố là khoảng 53.048 tấn/ngày (trong đó khu vực đô thị phát sinh khoảng 31.381 tấn/ngày và khu vực nông thôn khoảng 21.667 tấn/ngày1), giảm nhẹ so với năm 2020 (khối lượng phát sinh trung bình 1.129 tấn/ngày/địa phương; trung bình năm 2020 phát sinh 1.312 tấn/ngày/địa phương). Các địa phương có khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh trên 1.000 tấn/ngày chiếm 30% (trong đó có Hà Nội phát sinh trên 6.000 tấn/ngày, Thành phố Hồ Chí Minh là 8.900 tấn/ngày).Tổng lượng rác thải phát sinh từ khách du lịch trên cả nước khoảng 157.644 tấn (giảm 80.320 tấn so với năm 2020); trung bình 1,2 kg/ngày đêm/người (tương đương năm 2020)

Về vai trò của doanh nghiệp trong quản lý chất thải, PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ cho biết, Nhà nước đã có những quy định về trách nhiệm của các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ trong bảo vệ môi trường nói chung, quản lý chất thải nói riêng. Bên cạnh đó, Luật cũng thể chế hóa “Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền” và tiếp cận quản lý chất thải rắn dựa trên nguyên tắc thị trường, trong đó quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.

Quanh cảnh diễn đàn

Quanh cảnh diễn đàn

Theo đó, nhà sản xuất phải có trách nhiệm tái chế chất thải, xử lý chất thải bằng phương thức nhà sản xuất đóng góp tài chính để xử lý chất thải, qua đó, sẽ thay đổi hành vi sản xuất, tiêu dùng theo hướng thân thiện môi trường; đồng thời tạo nguồn tài chính để hỗ trợ cho hoạt động thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt tại các địa phương (Điều 54, 55).

Diễn đàn môi trường năm 2022, đã nhận được nhiều tham luận và các ý kiến thảo luận của các diễn giả, các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà khoa học từ Việt Nam, Nhật Bản, Phần Lan, WB tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp, khuyến nghị đối với quản lý chất thải phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam. Đồng thời, tại diễn đàn các Doanh nghiệp môi trường và xử lý chất thải đưa ra những mô hình tiên tiến, giới thiệu các công nghệ hiện đại, các giải pháp trong xử lý, phân loại và tái chế chất thải rắn và rác thải sinh hoạt. Các cơ quan quản lý nhà nước sẽ thông tin cụ thể những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đối với quản lý và xử lý chất thải.

Triệu Oanh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nang-cao-nhan-thuc-trach-nhiem-cua-doanh-nghiep-ve-quan-ly-chat-thai-post449489.html