Nâng công dụng thực phẩm chức năng phòng COVID-19: Cần làm rõ và xử lý vi phạm

Theo các chuyên gia, trong lúc dịch bệnh phức tạp, việc Bộ Y tế đưa ra danh sách các sản phẩm chưa được kiểm chứng khoa học vào danh mục thuốc, dược liệu hỗ trợ điều trị COVID-19 có thể khiến người dân xáo động. Dư luận đặt câu hỏi khi nào cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, hoặc ít nhất nêu rõ lý do đưa ra danh sách như vậy.

Theo các chuyên gia, việc đưa sản phẩm chức năng vào danh mục thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 có dấu hiệu lợi ích nhóm

PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế) cho rằng, ở Việt Nam có hàng nghìn doanh nghiệp sản xuất dược, thực phẩm chức năng với sản phẩm có đặc điểm, tính chất tương đương nhau, do vậy việc Bộ Y tế chỉ công bố 12 loại thuốc và dược liệu cụ thể vào danh sách sản phẩm hỗ trợ điều trị COVID-19 là bất thường.

Theo ông Đáng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ có tác dụng hỗ trợ sức khỏe, chống bệnh tật, ở Việt Nam chưa có đơn vị nào nghiên cứu cụ thể để hỗ trợ điều trị COVID-19.

“Rõ ràng ở đây có dấu hiệu bất minh, thậm chí là lợi ích nhóm. Trong lúc dịch bệnh phức tạp, thông tin này đưa ra có thể khiến người dân xáo động tâm lý. Cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh, xử lý nghiêm minh trường hợp vi phạm, hoặc ít nhất nêu rõ lý do vì sao lại đưa ra danh sách như vậy một cách thuyết phục”, ông Đáng nói.

Luật sư Nguyễn Thanh Hải (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hệ lụy từ việc đưa các thực phẩm chức năng vào danh mục thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19, có thể khiến người dùng nhầm lẫn rằng đây là thuốc đặc trị COVID-19. Và nhiều người đổ xô đi mua khiến các sản phẩm này có thể bị đầu cơ, khan hiếm.

“Việc này còn tạo điều kiện cho nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng dịch bệnh để kinh doanh sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, quảng cáo sai sự thật, tạo cạnh tranh không lành mạnh cho các doanh nghiệp sản xuất”, luật sư Hải nói.

Luật sư Hải cho rằng, Bộ Y tế cần minh bạch vụ việc này, đồng thời thận trọng trong việc đưa ra các sản phẩm khuyến cáo người dân sử dụng liên quan đến dịch COVID-19...

Doanh nghiệp trúng nhiều gói thầu nhờ... chỉ định

Khi nhiều sản phẩm được Bộ Y tế đưa vào danh sách sản phẩm hỗ trợ điều trị COVID-19, thời gian qua, Cty Cổ phần Sao Thái Dương còn trúng liên tiếp nhiều gói thầu tại nhiều bệnh viện, trung tâm kiểm soát bệnh tật ở các tỉnh. Đáng chú ý, các gói thầu Cty này trúng phần lớn là do chỉ định thầu hoặc mua sắm trực tiếp.

Theo tài liệu Tiền Phong có được, ngày 21/6, Cty Cổ phần Sao Thái Dương trúng thầu gói thầu “Mua sắm 15.000 test sinh phẩm Realtimes RT-LAMP COVID-19” tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh. Gói thầu này có giá hơn 5,7 tỷ đồng từ vốn ngân sách. Nhà thầu được chỉ định rút gọn, không sơ tuyển.

Ngày 23/6, Cty Sao Thái Dương tiếp tục trúng gói thầu Mua sắm 10.000 test sinh phẩm Realtime RT-PCR” với giá 3 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Cty Sao Thái Dương được chỉ định thầu, quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu do bà Ngô Thị Xuân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh ký.

Trong tháng 6, Cty Sao Thái Dương trúng gói “Hóa chất xét nghiệm COVID-19” tại một bệnh viện Trung ương ở Hà Nội với giá hơn 5,4 tỷ đồng.

Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, ngày 25/6, liên danh Cty Thái Dương, Cty cổ phần Y tế Đức Minh, Cty Cổ phần Công nghệ Việt Á, Cty TNHH Thiết bị Y tế Phương Đông trúng gói “Hóa chất xét nghiệm sàng lọc COVID-19” với tổng trị giá hơn 25,1 tỷ đồng.

Ngoài ra, trước đó ngày 4/3, Cty Sao Thái Dương trúng gói thầu số 2 “Hóa chất xét nghiệm Sars-CoV-2” với giá 2,4 tỷ đồng. Gói thầu do ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đức Giang phê duyệt theo hình thức mua sắm trực tiếp, trong nước không sơ tuyển.

Dương Hưng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nang-cong-dung-thuc-pham-chuc-nang-phong-covid-19-can-lam-ro-va-xu-ly-vi-pham-post1360841.tpo