Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên

* Bạn đọc Pi Năng Quyết ở xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 230 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể như sau:

1. Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

UBND cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.

2. Sau một năm kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:

a) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng 10 (mười) lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người nhặt được được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp tài sản có giá trị lớn hơn 10 (mười) lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng 10 (mười) lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá 10 (mười) lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước;

b) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật Di sản văn hóa thì tài sản đó thuộc về Nhà nước; người nhặt được tài sản được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.

* Bạn đọc Ma Văn Khải ở xã Đà Vị, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, pháp luật quy định những tình tiết nào được giảm nhẹ khi bị xử phạt hành chính?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 9 Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành. Cụ thể như sau:

1. Người vi phạm hành chính đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại;

2. Người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính;

3. Vi phạm hành chính trong tình trạng bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra; vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

4. Vi phạm hành chính do bị ép buộc hoặc bị lệ thuộc về vật chất hoặc tinh thần;

5. Người vi phạm hành chính là phụ nữ mang thai, người già yếu, người có bệnh hoặc khuyết tật làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

6. Vi phạm hành chính vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không do mình gây ra;

7. Vi phạm hành chính do trình độ lạc hậu;

8. Những tình tiết giảm nhẹ khác do Chính phủ quy định.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/xac-lap-quyen-so-huu-doi-voi-tai-san-do-nguoi-khac-danh-roi-bo-quen-801944