Năng lực sản xuất vũ khí của Serbia đến đâu?
Theo Military Watch, vũ khí của Serbia được vận chuyển qua nước thứ ba đến Ukraine, đổi lại nước này có thể nhận được ủng hộ trong vấn đề Kosovo từ phương Tây.
Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Serbia đã phải chịu áp lực ngày càng tăng từ các nước phương Tây trong việc điều chỉnh chính sách của mình với chính sách của các quốc gia thành viên NATO và áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga.
Điều này diễn ra sau nhiều năm phương Tây chỉ trích quan hệ quốc phòng của Serbia với Nga, bao gồm việc nước này mua một lượng nhỏ thiết bị quân sự như xe tăng T-72 đã qua sử dụng, nhận máy bay chiến đấu MiG-29 do cả Nga và Belarus viện trợ và tham gia các cuộc tập trận chung hạn chế với quân đội Nga.
Tuy nhiên, phương Tây cũng đã ngăn cản một số thương vụ lớn của Serbia trong việc mua vũ khí từ Nga, chẳng hạn như máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư hoặc các hệ thống phòng không tầm xa. Đáng chú ý nhất là thương vụ mua các hệ thống tên lửa S-300 hoặc S-400, tuy nhiên do Belgrade bị phương Tây đe dọa trừng phạt nên thương vụ thất bại.
Thay vào đó, nước này đã đặt hàng hệ thống phòng không HQ-22 của Trung Quốc, phương án này cũng bị các nước phương Tây chỉ trích, tuy nhiên là đỡ áp lực hơn so với mua vũ khí Nga.
Dư luận Serbia luôn ủng hộ mạnh mẽ mối quan hệ chặt chẽ với Nga và số lượng quân tình nguyện từ Serbia sang Nga chiến đấu trong chiến dịch quân sự ở Ukraine là không nhỏ. Tuy nhiên, bản thân Serbia kể từ khi Nam Tư tan rã lại phụ thuộc nhiều vào thương mại với Liên minh châu Âu, điều này đã khiến quốc gia này dễ bị áp lực bởi phương Tây về mối quan hệ với Moskva.
Giải pháp có lợi cho Serbia?
Bất chấp mối quan hệ chặt chẽ với Nga, theo các nguồn tin phương Tây, chính quyền Serbia ngày càng “nhắm mắt làm ngơ” trước việc vũ khí của quốc gia này được xuất khẩu thông qua các bên thứ ba để tới Ukraine.
Nhu cầu về thiết bị có nguồn gốc Liên Xô của Ukraine là rất lớn, trong khi đó lần đầu tiên ghi nhận sản lượng sản xuất vũ khí và đạn dược của Serbia tăng vọt kể từ khi Nam Tư tan rã.
Các tài liệu tình báo Mỹ bị rò rỉ ngày 12/4 và được Reuters trích dẫn và báo cáo đã xác nhận rằng, chính quyền Belgrade có thể cũng đã đồng ý trực tiếp hơn trong việc cung cấp viện trợ sát thương cho lực lượng vũ trang Ukraine.
Tờ Financial Times trong tuần đầu tiên của tháng 6 đề cập đến một “đường ống vận chuyển đạn dược của người Serb tới mặt trận Ukraine”. Tờ báo này khẳng định các nước phương Tây giảm áp lực lên Serbia về vấn đề ly khai tại tỉnh Kosovo, nơi mà phần lớn các nước phương Tây trong gần 15 năm qua công nhận là một quốc gia độc lập.
Theo lập luận của đại sứ Mỹ tại Belgrade Christopher Hill cho rằng phương Tây đang “mềm mỏng” hơn trong vấn đề Kosovo, để đổi lấy sự ủng hộ của Serbia trong nỗ lực hỗ trợ Ukraine. “Ukraine cực kỳ quan trọng và chúng tôi đang ở thời điểm mà tất cả cần phải chung tay… Khi mọi người ở chung một con tàu, mối quan hệ sẽ trở nên tốt đẹp hơn”, Christopher Hill cho biết.
Nhu cầu cung cấp vũ khí từ Serbia trở nên bức thiết hơn khi các thành viên NATO, đặc biệt là kho vũ khí của các nước ở châu Âu đã cạn kiệt nghiêm trọng và ngày càng không theo kịp tốc độ sử dụng hoặc thiệt hại trên chiến trường Ukraine. Điều này dẫn đến một số nước phương Tây, trong đó đáng chú ý nhất là Anh đã tìm đến thị trường chợ đen và các nhà cung cấp bên thứ ba trên khắp thế giới để mua vũ khí cho Ukraine.
Thực tế là vũ khí được sản xuất tại một số quốc gia NATO tích cực ủng hộ cho quân đội Ukraine, như Đức và Italia, lại thường xuyên gặp sự cố nghiêm trọng. Điều này chỉ khiến nhu cầu vũ khí ở Ukraine càng trở nên gay gắt hơn.
Ngầm cho phép xuất khẩu vũ khí sang Ukraine có thể được coi là một phương án để giảm bớt áp lực nghiêm trọng của phương Tây đối với Belgrade. Đồng thời nó cũng tránh được phản ứng dữ dội của quần chúng nhân dân có thể xảy ra nếu nước này công khai ủng hộ các mục tiêu của khối phương Tây, chẳng hạn như trừng phạt Nga.
Khả năng sản xuất vũ khí của Serbia
Đáng chú ý là Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã không xác nhận hay phủ nhận rằng việc chuyển giao vũ khí như vậy đang diễn ra. Tổng thống Vucic từng tuyên bố năm 2022, nhu cầu về vũ khí của Serbia đang tăng cao, vào thời điểm đó một số chuyên gia suy đoán rằng cuộc xung đột ở Ukraine có thể là nguyên nhân chính dẫn đến phát biểu trên.
Tuy nhiên, hiện nay các loại vũ khí mà Serbia có thể sản xuất vẫn rất hạn chế so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Quốc gia này đã từng xuất khẩu những chiếc xe tăng hiện đại sang Pakistan. Đó là những chiếc T-55 được chế tạo từ thời Chiến tranh Lạnh, chúng đã được tân trang, hiện đại hóa trước khi xuất khẩu cho quốc gia Nam Á.
Cơ sở công nghiệp quân sự của Nam Tư trước đây từng có vị thế hàng đầu ở châu Âu, kể từ sau khi Nam Tư tan rã đã dẫn đến việc hủy bỏ hầu hết các chương trình vũ khí lớn và chấm dứt việc sản xuất nhiều vũ khí như xe tăng M-84 - một biến thể T-72 nâng cao, được xem là biểu tượng cho nền công nghiệp quân sự của quốc gia này.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/nang-luc-san-xuat-vu-khi-cua-serbia-den-dau-ar799956.html