Nắng nóng quá mức chịu đựng tại Ấn Độ, nhiệt độ tăng cao cả ban đêm
Nhiệt độ khắc nghiệt cả ngày lẫn đêm khiến người dân Delhi (Ấn Độ) không có đủ thời gian để hồi phục. Một số người cho hay cơ thể họ không thể chịu nổi đợt nắng nóng như thiêu đốt.
Đêm ở thủ đô Ấn Độ đang trở nên nóng bức một cách khó chịu và nguy hiểm hơn, khi người dân tại quốc gia đông dân nhất thế giới liên tục phải đối mặt với nhiệt độ cao.
Miền Bắc Ấn Độ đang trải qua mùa hè nắng nóng. Vào tháng 6, một phần thủ đô Delhi ghi nhận mức nhiệt cao nhất từ trước đến nay là 49,9 độ C.
Cái nóng ngột ngạt vẫn duy trì ngay cả khi Mặt Trời lặn.
Theo báo cáo do Trung tâm Khoa học và Môi trường (CSE) công bố vào tháng 5, nhiệt độ tại Delhi chỉ giảm 8,5 độ C vào ban đêm, so với mức giảm 12,2 độ C ở vùng ngoại ô thành phố.
Những đêm nóng bức khiến người dân không thể nghỉ ngơi và hồi phục sau nhiều giờ tiếp xúc với cái nóng ngột ngạt ban ngày - đặc biệt với những người không có điều hòa không khí.
Người lái xích lô Sagar Mandal chia sẻ với CNN rằng anh có ít khách hơn vì mọi người chọn taxi với máy lạnh, thay vì phương tiện giao thông ngoài trời.
“Cơ thể tôi không chịu nổi, nhưng tôi phải tiếp tục đạp xe. Chúng tôi quen với lao động chân tay, chúng tôi không phàn nàn về điều đó. Nhưng cái nóng này không bình thường”, người đàn ông 39 tuổi, chuyên đạp xe chở khách đi khắp thành phố, cho biết.
"Tôi hầu như không ngủ được”
Nikhil Kumar, người lái xe lam, cho biết ngày làm việc của anh đang trở nên dài và khó khăn hơn trong thời tiết nóng bức.
“Ban đêm cũng chẳng khá hơn. Thậm chí ban đêm tôi còn đổ mồ hôi như tắm. Đêm qua trời mưa một chút nhưng nhìn xem hôm nay nóng thế nào. Không hề dễ chịu”, tài xế 26 tuổi chia sẻ.
Các nhà khoa học cảnh báo đêm nóng hơn là hậu quả của khủng hoảng khí hậu và nó có thể làm gia tăng nguy cơ sức khỏe do căng thẳng nhiệt.
Nghiên cứu chỉ ra nhiệt độ ban đêm cao khiến con người khó đi vào giấc ngủ hơn, làm giảm giai đoạn ngủ sâu và REM (giấc ngủ mắt chuyển động mắt). Cả hai đều rất quan trọng đối với khả năng phục hồi và tái tạo của cơ thể vào ban đêm.
Mandal, người lái xích lô, cho biết anh đã ngủ trên mái nhà với hy vọng không khí mát mẻ hơn nhưng chỉ được vài giờ.
“Dạo này tôi hầu như không ngủ được”, anh nói.
Những người làm việc ngoài trời như Nikhil Kumar không có thời gian nghỉ ngơi vì cái nóng vẫn kéo dài ngay cả vào ban đêm.
Theo nghiên cứu năm 2019, việc tiếp xúc với sóng nhiệt trong thời kỳ mang thai có thể liên quan đến các kết quả bất lợi như sinh non. Người lớn tuổi có thể gặp vấn đề nhịp tim cao hơn và căng thẳng về mặt sinh lý nhiều hơn khi ngủ ở nhiệt độ nóng hơn.
Thiếu điện và nước
Nhiệt độ ban đêm tăng thậm chí còn phổ biến hơn ở các thành phố như Delhi do hiệu ứng đảo nhiệt đô thị. Khu vực đô thị nóng hơn nhiều so với vùng xung quanh, theo CNN.
Khu vực có nhiều nhựa đường và tòa nhà bê tông hấp thụ nhiều nhiệt từ Mặt Trời hơn khu vực có nhiều công viên, sông ngòi và đường phố rợp bóng cây.
Những ngày và đêm nóng nực cũng đang thử thách giới hạn của lưới điện và nguồn cung cấp nước của Ấn Độ. Tình trạng căng thẳng về tài nguyên khiến nhiều người dân bị bệnh.
“Chúng tôi đã sống ở khu phố này 40 năm, nhưng chưa bao giờ chứng kiến mùa hè nào như thế này”, bà Kalyani Saha, 60 tuổi, cư dân khu phố Lajpat Nagar của thủ đô Ấn Độ, cho biết.
“Bị mất điện trong 2 giờ, ngay giữa ban ngày - điều đó thật không thể chịu nổi”, Saha nói với CNN. Bà cho biết thêm việc mất điện cũng khiến hệ thống điều hòa không khí của họ trở nên vô dụng.
“Chúng tôi chỉ lấy nước một lần/ngày và nước rất nóng. Trừ khi bạn đổ đầy xô và để nguội cả ngày trước khi sử dụng, bạn không thể tắm bằng nước này”, bà nói.
Saha cũng cho biết cháu trai bà đã bị ốm một tuần nay.
“Chúng còn nhỏ, chúng không thể chịu được điều này. Đây không phải là mức nhiệt mà con người có thể chịu được”, bà nói.
Một nhà chức trách trong Bộ Y tế Ấn Độ cho biết ít nhất 40.000 trường hợp say nắng được báo cáo ở nước này kể từ tháng 3.
Bác sĩ Ajay Chauhan, phụ trách đơn vị đặc biệt về sốc nhiệt tại bệnh viện Ram Manohar Lohiya (RML) ở Delhi, cho biết đêm nóng hơn đồng nghĩa cơ thể sẽ chịu nhiều áp lực hơn.
Chauhan cho biết những người làm việc ngoài trời cả ngày cần thời gian để hạ nhiệt và phục hồi, nhưng ông thừa nhận hiện nay "điều đó là không thể".
Sarita Kumari đã ngủ trên đường phố Delhi cùng 3 đứa con của mình và cho hay cậu con trai 3 tuổi của cô bị sốt cao suốt tuần.
“Chúng tôi có nhà nhưng vì quá đông người nên khi mất điện, không khí trở nên ngột ngạt”, Kumari chia sẻ.