Nâng tầm giá trị thương hiệu Việt

Hãng định giá thương hiệu Brand Finance của Anh mới đây ghi nhận: Việt Nam là thương hiệu quốc gia (Nation Brands) tăng giá trị nhanh nhất thế giới năm 2020 lên tới 29%, với quy mô 319 tỷ USD. Đồng thời, thứ hạng của thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam cải thiện từ vị trí thứ 42 năm 2019 lên vị trí 33 năm 2020 trong số 100 thương hiệu được khảo sát.

Đáng chú ý, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực thăng hạng THQG với mức độ mạnh mẽ, trong khi các thương hiệu của khu vực ASEAN và thế giới có xu hướng đi ngang, thậm chí là sụt giảm mạnh do tác động của đại dịch Covid-19.

Những thành công trong kiểm soát dịch bệnh, những cải cách mạnh mẽ về thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới các tiêu chuẩn thế giới đã giúp THQG Việt Nam ngày càng được định vị tốt hơn trên toàn cầu.

Đặc biệt, sự ổn định về chính trị, an toàn và cải thiện liên tục môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được đánh giá chính là “chìa khóa” giúp Việt Nam tạo được niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Kinh tế phát triển thực chất, hiệu quả và bền vững, duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, kiểm soát được lạm phát chính là yếu tố khiến giá trị THQG của Việt Nam liên tục thăng hạng.

THQG là tên, các khẩu hiệu, ký hiệu, biểu tượng hay thiết kế hay tổng hợp những yếu tố trên với mục đích xác định hàng hóa và dịch vụ được tạo ra từ một quốc gia nhằm phân biệt hàng hóa và dịch vụ của quốc gia này với những quốc gia khác.

Theo các chuyên gia kinh tế, thương hiệu tuy là tài sản vô hình nhưng lại có đóng góp rất lớn vào hoạt động của doanh nghiệp và đang được nhiều doanh nghiệp coi trọng xây dựng. Thông thường việc phát triển thương hiệu chiếm khoảng 30% cho tổng chuỗi giá trị của doanh nghiệp. Với mỗi một quốc gia, quá trình xây dựng THQG và giới thiệu THQG với cộng đồng quốc tế là việc làm quan trọng, quyết định vị thế cạnh tranh của quốc gia đó trên thị trường quốc tế.

Thực tế, giá trị THQG Việt Nam liên tục nâng tầm là nhờ các doanh nghiệp THQG ngày càng khẳng định vị thế hàng đầu vững chắc trong lĩnh vực hoạt động của mình, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, giữ vững thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu. Năm 2020, tổng doanh thu của 124 doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG Việt Nam đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng; xuất khẩu đạt hơn 137 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 200 nghìn tỷ đồng và tạo công ăn việc làm cho hơn 471 nghìn lao động.

Chiến lược cạnh tranh bằng thương hiệu đang diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng, không chỉ dừng lại ở mức độ doanh nghiệp mà đã phát triển lên mức độ địa phương, ngành hàng và thậm chí ở cấp quốc gia. Quốc gia nào sở hữu nhiều thương hiệu lớn sẽ là một quốc gia thịnh vượng. Điều này càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển và bảo vệ THQG.

Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do đang mở ra cho Việt Nam những cơ hội mới, giúp duy trì động lực nền kinh tế trong bối cảnh suy giảm chung của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, để duy trì vị thế cạnh tranh quốc gia, chúng ta phải nỗ lực hoàn thành mục tiêu giai đoạn từ năm 2020 - 2030 sẽ có hơn 1.000 sản phẩm đạt THQG Việt Nam.

Mục tiêu trên chỉ thành hiện thực khi có sự chung tay bền bỉ của cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Ngoài nâng cao nhận thức của xã hội, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp đối với việc xây dựng thương hiệu, giải pháp hàng đầu là hỗ trợ trực tiếp để các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG; quảng bá các sản phẩm THQG tới đối tác quốc tế.

Đó là con đường giúp tạo nên sức mạnh tổng thể để khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nang-tam-gia-tri-thuong-hieu-viet-post436585.html