Nâng tầm 'thung lũng Silicon' của Hà Nội

Khu công nghệ cao Hòa Lạc được kỳ vọng trở thành đô thị khoa học - công nghệ, giáo dục hiện đại mang tầm khu vực, có ảnh hưởng trực tiếp, to lớn đến tăng trưởng kinh tế và phát triển của Hà Nội cũng như cả nước

Được ví như "thung lũng Silicon" của TP Hà Nội và cả nước nhưng 25 năm qua, Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc chưa phát triển như kỳ vọng. Việc bàn giao khu CNC Hòa Lạc về UBND TP Hà Nội quản lý được xem là bước ngoặt để tạo đột phá cho khu vực này.

Còn nhiều hạn chế

Nhằm giải quyết các nhu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ sau thời kỳ đổi mới, Khu CNC Hòa Lạc được thành lập theo Quyết định số 198 ngày 12-10-1998 của Thủ tướng Chính phủ trên khu vực rộng 1.586 ha. Đến năm 2008 và 2016, Thủ tướng ban hành Quyết định điều chỉnh quy hoạch tại đây. Theo đó, Khu CNC Hòa Lạc được xây dựng theo mô hình thành phố khoa học với đầy đủ các dịch vụ tiện ích, bao gồm những vùng chức năng chính như: khu phần mềm; khu nghiên cứu và triển khai (R&D); khu giáo dục và đào tạo; khu CNC; khu trung tâm; khu hỗn hợp; khu nhà ở; khu giải trí và thể thao; hồ Tân Xã và vùng đệm; giao thông và các công trình đầu mối kỹ thuật và khu cây xanh…

Theo thống kê, Khu CNC Hòa Lạc hiện đã thu hút được hơn 100 dự án đầu tư, góp phần tạo việc làm cho khoảng gần 20.000 lao động. Trong năm 2022, doanh thu của các doanh nghiệp hoạt động tại khu CNC Hòa Lạc đạt khoảng 18.000 tỉ đồng và nộp ngân sách khoảng 1.200 tỉ đồng.

Một góc Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: HỮU HƯNG

Một góc Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: HỮU HƯNG

Các chuyên gia đánh giá những con số trên còn khiêm tốn so với chức năng khu CNC Hòa Lạc là nơi tạo đòn bẩy về phát triển kinh tế tri thức dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ mang tính đi tắt, đón đầu. Trong khi đó, dù đã trải qua 25 năm thành lập và phát triển nhưng hạ tầng khu CNC Hòa Lạc vẫn chưa hoàn thiện khi vẫn còn hơn 100 ha chưa được giải phóng mặt bằng, phần diện tích này nằm ở huyện Thạch Thất và Quốc Oai.

TS Hà Huy Ngọc (Viện Kinh tế Việt Nam) nhận định việc tổ chức quản lý vận hành, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của Khu CNC Hòa Lạc vẫn còn nhiều "nút thắt"; tiến độ đầu tư xây dựng khá chậm; nhiều hạ tầng đang xây dựng dở dang vì thiếu vốn; cơ chế chính sách cho phát triển Khu CNC Hòa Lạc chưa có nhiều vượt trội so với các khu công nghiệp thông thường, trong khi các dự án đầu tư tại khu CNC phải đáp ứng tiêu chí về công nghệ, sản phẩm…

"Trong bối cảnh có sự dịch chuyển đầu tư giữa các khu vực, Khu CNC Hòa Lạc nếu được tổ chức lại, có chiến lược đầu tư hấp dẫn, cùng với các thể chế đầu tư vượt trội, sẽ là điểm đến thu hút các dự án công nghệ cao vào thủ đô Hà Nội" - TS Hà Huy Ngọc bày tỏ.

Hạt nhân về đổi mới sáng tạo

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết việc tiếp nhận Khu CNC Hòa Lạc về thủ đô là điều kiện thuận lợi để thành phố cụ thể hóa mục tiêu đã được xác định tại Nghị quyết số 15 ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, có nội dung: "Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực với hạt nhân là Khu CNC Hòa Lạc".

Theo ông Trần Sỹ Thanh, Khu CNC Hòa Lạc sẽ là nơi đóng góp vào sự phát triển của khoa học công nghệ của thủ đô và là nơi xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tương lai. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Hà Nội sẽ phát triển Khu CNC Hòa Lạc bền vững, ngoài có quy hoạch tốt, đủ vốn để triển khai, có cơ chế ưu đãi, môi trường đầu tư và sự ủng hộ của các nhà đầu tư, cần tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ để thu hút nhà đầu tư.

"Thời gian tới, thành phố tập trung chỉ đạo để hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng Khu CNC Hòa Lạc trong năm 2024; đồng thời sẽ dành nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng và tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm xây dựng và phát triển Khu CNC Hòa Lạc trở thành hạt nhân của cả nước về đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ và giữ vai trò hạt nhân, vùng lõi của đô thị Hòa Lạc trong tương lai" - Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định.

Một lãnh đạo Ban Quản lý dự án Khu CNC Hòa Lạc cho biết đang thực hiện nhiệm vụ sắp xếp nhân sự và đề án hoạt động. Khu CNC Hòa Lạc cần thành phố bổ sung các cơ chế, chính sách mới, đặc thù để thu hút đầu tư và thực hiện đãi ngộ tốt đối với các chuyên gia làm việc tại đây. Bên cạnh đó, cần bố trí vốn ngân sách địa phương, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác ngoài vốn ngân sách trung ương để hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư Khu CNC Hòa Lạc trong giai đoạn tới…

Ban hành chương trình hành động

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, vừa ký ban hành Chương trình hành động số 30 thực hiện Nghị quyết số 45 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Mục tiêu của Hà Nội đến năm 2030 là phát triển đội ngũ trí thức cả về số lượng và chất lượng, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực then chốt, trọng yếu, lĩnh vực mới đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tầm nhìn đến năm 2045, phát triển đội ngũ trí thức thủ đô lớn mạnh, có chất lượng cao, cơ cấu hợp lý, dẫn đầu cả nước và tiệm cận với các nước phát triển.

Thành phố tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và đầu tư nguồn lực để Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực. Trong đó, Khu CNC Hòa Lạc... phát triển thành các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu có trình độ thuộc nhóm dẫn đầu cả nước, có đủ năng lực, điều kiện để giữ vai trò quan trọng trong đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao.

BẠCH HUY THANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nang-tam-thung-lung-silicon-cua-ha-noi-196240328211105617.htm