Nâng tầm thương hiệu gỗ bằng chứng chỉ rừng Việt Nam
Việc xây dựng Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam được công nhận bởi Chương trình chứng nhận chứng chỉ rừng (PEFC) sẽ thúc đẩy việc Quản lý rừng Bền vững và Chứng chỉ rừng Việt Nam khắc phục những khó khăn hiện tại. Bên cạnh đó sẽ mở ra cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho đồ gỗ Việt Nam khi xuất khẩu sang EU.
Thông tin trên được đưa ra tại “Hội thảo giới thiệu về chứng nhận PEFC/VFCS: Nhu cầu, nguồn cung và lợi ích” do Tổng cục Lâm nghiêp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức ngày 28/11, tại TP. Hồ Chí Minh.
Vẫn còn khó khăn
Theo ông Bùi Chính Nghĩa – Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp – cho biết: Lâm sản là ngành hàng xuất khẩu quan trọng thứ 6 của Việt Nam và liên tục có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt trên 13%/năm trong giai đoạn 2010-2018.
Năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu lâm sản của Việt Nam đạt trên 9,3 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2017; giá trị xuất siêu đạt 6,99 tỷ USD. Trong 11 tháng đầu năm 2019, ước đạt 10,19 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó: sản phẩm gỗ các loại đạt 9,59 tỷ USD, tăng 19,1% so với cùng kỳ 2018; gỗ nguyên liệu đạt 2,64 tỷ USD, tăng 10,3%; lâm sản ngoài gỗ: 599,7 triệu USD, tăng 36,6%.
Nguồn nguyên liệu phục vụ ngành chế biến gỗ, sản phẩm gỗ chủ yếu khai thác từ rừng trồng trong nước và nhập khẩu. Năm 2018, tổng sản lượng gỗ phục vụ cho chế biến gỗ, sản phẩm gỗ là 35,9 triệu m3, trong đó: khai thác trong nước đạt 27,5 triệu m3 (rừng trồng tập trung 18,5 triệu m3; vườn nhà, cây phân tán, cao su khoảng 9 triệu m3); gỗ nhập khẩu 8,4 triệu m3 quy tròn.
Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, mặc dù đạt được những thành công nhưng ngành gỗ cũng gặp không ít những thách thức. Cụ thể, các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu thuộc nhóm sản phẩm thô, giá trị gia tăng thấp vẫn còn chiếm tỷ trọng cao. Kim ngạch xuất khẩu gỗ những năm vừa qua tăng trưởng cao nhưng chủ yếu nằm ở nhóm hàng gỗ nguyên liệu, đặc biệt là viên nén gỗ, dăm gỗ, các loại ván.
Bên cạnh đó, chất lượng gỗ rừng trồng, nguyên liệu của chế biến chưa thực sự được bảo đảm. Việc hợp tác giữa các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu với người trồng rừng, đặc biệt là các hộ trồng rừng nhỏ để nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng còn hạn chế.
Ngoài ra, hiện nay, gỗ rừng chúng ta trồng chủ yếu nhỏ, khai thác sớm, chất lượng thấp, quản lý rừng chưa hướng đến bền vững để đạt chứng chỉ. Diện tích rừng trồng, nguồn nguyên liệu có chứng chỉ không đủ để cung cấp cho thị trường.
Cơ hội nâng cao thương hiệu gỗ Việt
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, PEFC là hệ thống chứng chỉ quản lý rừng bền vững lớn nhất thế giới với diện tích trên 308 triệu ha, chiếm 60% diện tích rừng có chứng chỉ trên toàn thế giới. PEFC được thành lập với mục tiêu thúc đẩy và bảo vệ rừng tại quốc gia, khu vực và toàn cầu, thông qua việc hợp tác và hỗ trợ các quốc gia thành viên xây dựng và vận hành Hệ thống chứng chỉ rừng của mỗi quốc gia. Việt Nam là thành viên thứ 50 trong tổng số 51 quốc gia thành viên của PEFC.
Dự kiến, vào quý 2/2020, Hệ thống CCR Việt Nam sẽ được chứng thực bởi PEFC. Điều đó có nghĩa rằng Hệ thống CCR quốc gia Việt Nam sẽ được quốc tế công nhận về việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý và khai thác rừng bền vững. Hệ thống CCR VFCS/PEFC vận hành sẽ góp phần cho việc quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, các giá trị và dịch vụ môi trường rừng.
Đặc biệt VFCS/PEFC sẽ là một giải pháp cho việc gia tăng nguồn cung trong nước về gỗ có chứng chỉ và hợp pháp nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đồng thời, sự phát triển của VFCS/PEFC sẽ thúc đẩy sự khai báo gỗ nhập có chứng nhận PEFC, do đó giải quyết được nhu cầu của thị trường về gỗ có chứng nhận PEFC ở Việt Nam và trên thế giới. Điều này là hết sức quan trọng trong bối cảnh phát triển của ngành công nghiệp chế biến gỗ ở Việt Nam, và nâng cao giá trị gỗ từ rừng trồng trong nước và góp phần xóa đói giảm nghèo cho công nhân lâm nghiệp.
Ông Bùi Chính Nghĩa đánh giá: Việc xây dựng Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam được công nhận bởi PEFC sẽ thúc đẩy việc Quản lý rừng Bền vững và Chứng chỉ rừng Việt Nam khắc phục những khó khăn hiện tại, cùng với Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu về thực thi Luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) đã có hiệu lực từ ngày 1/6/2019, sẽ mở ra cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho đồ gỗ Việt Nam khi xuất khẩu sang EU.
“Để đạt mục tiêu xuất khẩu gỗ, lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025, chúng tôi tin tưởng rằng, hội thảo lần này sẽ giúp các chủ rừng, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh lâm sản phát triển sản xuất, phát triển thị trường, tăng cơ hội và cạnh tranh cho doanh nghiệp; góp phần thực hiện được mục tiêu để Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ có thương hiệu uy tín trên thị trường quốc tế”, ông Nghĩa nhấn mạnh.