Nâng vị thế người thầy
Chuyện tranh luận chương trình giáo dục phổ thông mới nặng hay nhẹ chưa lắng xuống, việc khan hiếm sách giáo khoa đang căng thẳng thì nay, vấn đề thiếu giáo viên lại gây lo ngại khi ngày khai giảng năm học mới cận kề.
Ngành giáo dục có quá nhiều vấn đề cần giải quyết, mà vấn đề nào cũng tác động sâu rộng đến xã hội. Trong đó, thiếu giáo viên là tình trạng đã diễn ra lâu nay.
Lúc cả nước còn khó khăn, chúng ta ưu tiên cho trẻ đủ trường, lớp nên chấp nhận dồn lớp, ghép trường để giảng dạy. Tất nhiên, với tình hình ấy thì cũng phải chấp nhận chất lượng giáo dục chưa cao. Song, từ những năm tháng đổi mới trở lại đây, nhiều chương trình cải tiến, nâng chất lượng toàn diện nền giáo dục đã triển khai rộng khắp nên không thể để tình trạng thiếu giáo viên tái diễn. Thiếu giáo viên chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng dạy - học và điều này tác động đến toàn bộ mọi cấp học.
Tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10-2022, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết số lượng giáo viên cần bổ sung đến năm 2026 là 107.000 người. Con số này sẽ nhiều hơn khi tình trạng thiếu giáo viên ngày càng gay gắt. Bộ trưởng lý giải thiếu giáo viên là do nhiều năm trước đã không đủ vì số người bỏ việc và tuyển dụng ít hơn số nghỉ hưu; do thừa, thiếu cục bộ, khó điều tiết; do tăng dân số tự nhiên…
Có thể thấy những nguyên nhân trên đơn giản là theo thống kê xã hội học. Còn bản chất của vấn đề đã được nhiều chuyên gia giáo dục phân tích, chính là vị thế của người thầy chưa được tôn trọng tương xứng trong xã hội và thu nhập của giáo viên còn quá thấp.
Đơn cử, với giáo viên mầm non, mức lương bình quân trong 5 năm đầu giảng dạy chỉ 4,5 - 4,7 triệu đồng/tháng, đã bao gồm phụ cấp và thâm niên. Mức lương này không thể trang trải nổi cuộc sống và không ít người phải nản lòng dù mang bao ước mơ với nghề giáo. Mặt khác, bởi nhiều lý do mà nghề giáo được đánh giá như bao nghề thông thường khác dù về lý thuyết, chúng ta luôn đề cao việc "tôn sư trọng đạo".
Theo số liệu thống kê đến năm 2020, cả nước có 14 cơ sở giáo dục đại học đào tạo chuyên về sư phạm và 61 cơ sở giáo dục đại học đa ngành có đào tạo sư phạm. Ngoài ra, nước ta còn có 33 trường cao đẳng sư phạm ở các địa phương, 33 khoa sư phạm trong các trường đại học đa ngành; 24 trường cao đẳng và 38 trường trung cấp có chương trình đào tạo giáo viên… Hệ thống này đủ sức đào tạo giáo viên cho cả nước nhưng trước tiên phải giải quyết được việc nâng thu nhập cho thầy cô. Mức sống của giáo viên ổn định mới hấp dẫn được người theo học sư phạm. Có người học thì mới có điều kiện cải tiến, mở rộng và nâng chất lượng đào tạo.
Thiếu giáo viên đang là vấn đề cấp bách, cần được nhanh chóng giải quyết về trước mắt và có kế hoạch lâu dài. Các cơ quan quản lý hãy quên đi tư duy khi đối diện vấn đề lại nêu khó khăn, như ngân sách có hạn, cạnh tranh trường công - trường tư gay gắt, dân số tăng nhanh… Không chỉ Việt Nam mà bất cứ quốc gia nào cũng xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu và giáo viên là trung tâm của quốc sách này. Vì vậy, khó khăn mấy cũng phải giải quyết, mà phải giải quyết nhanh chóng, bởi giáo dục là yếu tố quyết định chất lượng của thế hệ công dân tiếp theo.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/nang-vi-the-nguoi-thay-20230813221116306.htm