NATO trấn an Ukraine sau đề xuất về nhượng bộ lãnh thổ
Tổng thư ký NATO khẳng định chỉ Ukraine mới có thể quyết định điều kiện đàm phán nhằm kết thúc xung đột với Nga, sau khi trợ lý đưa ra tuyên bố gây tranh cãi về nhượng bộ lãnh thổ.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 17/8 tuyên bố NATO sẽ tiếp tục trang bị vũ khí cho Ukraine cho đến khi Kiev quyết định thời điểm thích hợp để đàm phán với Nga. Tuyên bố được đưa ra sau khi trợ lý hàng đầu của ông Stoltenberg dường như đề xuất một thỏa thuận theo đó Ukraine sẽ từ bỏ các yêu sách lãnh thổ của mình để đổi lấy tư cách thành viên trong liên minh quân sự.
Phát biểu với truyền thông Na Uy, ông Stoltenberg nói rằng ưu tiên của NATO là “hỗ trợ quân sự cho Ukraine”, đồng thời nhấn mạnh “nếu muốn có một nền hòa bình lâu dài, công bằng, thì hỗ trợ quân sự cho Ukraine là cách để đạt được điều đó”.
“Chính Ukraine và chỉ Ukraine mới có thể quyết định điều kiện tiên quyết cho đàm phán. Họ cũng là bên quyết định đâu là giải pháp chấp nhận được trên bàn đàm phán. Nhiệm vụ của chúng tôi chỉ là hỗ trợ họ” ông Stoltenberg nhấn mạnh.
Tuyên bố của Tổng thư ký Stoltenberg không có gì khác biệt so với những bình luận trước đây của ông về Ukraine. Người đứng đầu NATO từ lâu đã khẳng định Ukraine sẽ chiến đấu cho đến khi nước này đánh bại Nga hoặc chọn tìm kiếm hòa bình, tuy nhiên lời khẳng định ủng hộ mới nhất của ông được đưa ra sau khi trợ lý hàng đầu của ông tỏ ra nghi ngờ về cam kết của khối đối với các mục tiêu của Kiev.
Trong một phát biểu ngày 15/8, Chánh văn phòng Tổng thư ký NATO Stian Jenssen nói rằng Ukraine có thể nhượng bộ một phần lãnh thổ cho Nga để đổi lấy tư cách thành viên NATO. Theo ông Jenssen, ý tưởng này đang được thảo luận tích cực trong NATO.
Bình luận của ông Jenssen đã gây ra một làn sóng chỉ trích ở Kiev. Ông Jenssen sau đó đã lên tiếng xin lỗi về bình luận của mình, cho biết đó là “sai lầm”. NATO cũng khẳng định chính sách của khối về Ukraine không thay đổi.
Ukraine đã tiến hành phản công công chống lại các lực lượng Nga kể từ đầu tháng 6, với chiến dịch nhằm hướng về phía Nam qua các tuyến phòng thủ của Nga, tiến tới Biển Azov và cắt đứt đường tiếp cận của Nga với Crimea. Cho đến nay Kiev vẫn chưa đạt được những mục tiêu này, trong khi hứng chịu thiệt hại đáng kể..
Ukraine chưa có dấu hiệu muốn đàm phán để chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, tốc độ cuộc phản công chậm hơn mong đợi của Ukraine đã đặt ra những câu hỏi về liệu cuộc chiến có thể kéo dài bao lâu và liệu Kiev có phải chọn giải pháp đánh đổi nào đó về mặt ngoại giao hay không.