Nền kinh tế 'tự thưởng cho bản thân' bùng nổ ở Mỹ

Mái tóc dài, bồng bềnh và làn da được chăm sóc hoàn hảo là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang trên đà phát triển, hoặc ít nhất người tiêu dùng Mỹ đang hành động lạc quan.

 Người tiêu dùng Mỹ đang chi nhiều hơn cho các sản phẩm chăm sóc cá nhân phân khúc cao cấp. Ảnh: Pexels.

Người tiêu dùng Mỹ đang chi nhiều hơn cho các sản phẩm chăm sóc cá nhân phân khúc cao cấp. Ảnh: Pexels.

Sự gia tăng trong doanh số bán lẻ và chi tiêu cho chăm sóc cá nhân trong những tháng gần đây cho thấy mọi người có xu hướng tự thưởng cho mình một vài niềm vui xa xỉ, thứ mà họ đã phải từ bỏ trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế và vấn đề lạm phát vài năm qua.

Theo dữ liệu liên bang, doanh số bán lẻ tăng vào tháng 8, đạt mức tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số tốt hơn so với dự kiến của các nhà kinh tế.

Những con số tăng cao này chỉ ra xu hướng mà phóng viên Heather Long của tờ Washington Post gọi là "nền kinh tế tự thưởng cho bản thân" trong cuộc trò chuyện với Marketplace tuần trước.

"Cảm giác như đây sẽ là năm của sự phung phí nho nhỏ. Đó thực sự là một dấu hiệu lành mạnh cho nền kinh tế", Long nói với hãng tin.

Peter C. Earle, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Mỹ, chia sẻ với Business Insider rằng người mua thường tự thưởng cho mình vì đã vượt qua được thời kỳ kinh tế khó khăn bằng cách nâng cấp các lựa chọn hàng hóa và dịch vụ cá nhân.

 Sự phổ biến của trào lưu làm tóc "Utah curls" là một phần của nền kinh tế "tự thưởng cho bản thân".

Sự phổ biến của trào lưu làm tóc "Utah curls" là một phần của nền kinh tế "tự thưởng cho bản thân".

Earle lấy ví dụ về kiểu tóc "Utah curls" trở thành xu hướng bùng nổ trên TikTok thời gian gần đây, trong đó phụ nữ thoải mái chi tiền để nối tóc vì muốn sở hữu mái tóc bồng bềnh như "công chúa tóc mây" Rapunzel.

Một nhà tạo mẫu tóc chia sẻ với tờ The Wall Street Journal rằng nhiều phụ nữ sẵn sàng chi tới 2.000 USD cho dịch vụ nối tóc và tạo kiểu tóc thật để có được mái tóc xoăn bồng bềnh, dài ngang eo hoàn hảo.

Đây là xu hướng tốn kém và đã bị kìm hãm cách đây một vài năm, khi chi tiêu cho chăm sóc cá nhân giảm trên toàn quốc.

Trong thời kỳ suy thoái hoặc khủng hoảng kinh tế, hành vi của người tiêu dùng đối với các sản phẩm chăm sóc cá nhân chuyển sang xu hướng chỉ mua những sản phẩm thiết yếu, ưu tiên những sản phẩm cần thiết như xà phòng và dầu gội hơn các mặt hàng chuyên dụng hơn.

Earle cũng đề cập đến "hiệu ứng son môi" - một lý thuyết kinh tế cho rằng doanh số bán các mặt hàng xa xỉ giá cả phải chăng, chẳng hạn như son môi, sẽ tăng trong thời kỳ suy thoái vì mọi người muốn "nâng cao tinh thần mà không quá tốn kém".

Nhưng khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi, người tiêu dùng lấy lại sự tự tin và tăng mức chi tiêu tùy ý, vui vẻ thêm nhiều sản phẩm khác ngoài son môi vào giỏ hàng của mình.

Trong quý 2/2024, người tiêu dùng Mỹ đã chi hơn 200 tỷ USD cho các sản phẩm chăm sóc cá nhân, tăng từ 199 tỷ USD trong quý 1 và 193 tỷ USD trong quý 2 năm 2023, theo dữ liệu tháng 9 từ Cục Phân tích Kinh tế được điều chỉnh theo tỷ giá hàng năm.

Earle cho biết: "Có sự thay đổi đáng kể từ những nhu cầu cơ bản hoặc giá rẻ sang các sản phẩm và dịch vụ xa xỉ hơn. Người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho các mặt hàng chăm sóc cá nhân xa xỉ hoặc chất lượng cao mà họ đã lược bỏ trong thời kỳ suy thoái, chẳng hạn như chăm sóc tóc hoặc chăm sóc da cao cấp".

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nen-kinh-te-tu-thuong-cho-ban-than-bung-no-o-my-post1506539.html