Nét đẹp lễ cúng cầu mưa của đồng bào Chăm

Đồng bào Chăm ở buôn Hồ Hầm, xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa) tái hiện lại lễ cúng cầu mưa tại Ngày hội VH-TT-DL các dân tộc tỉnh - Ảnh: THIÊN LÝ

Người Chăm Phú Yên vẫn còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán, văn hóa lễ hội đặc sắc, trong đó lễ cúng cầu mưa (còn gọi là lễ Quai Yang plây achan) hàng năm, được xem là một trong những nghi lễ độc đáo, quan trọng của đồng bào Chăm.

Lễ cúng cầu mưa mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, đời sống nhân dân buôn làng no đủ... thể hiện nét sinh hoạt tâm linh, sinh hoạt cộng đồng rất phong phú.

Ơi Giàng! Chỉ có Giàng là lớn nhất trần gian/ Ơi Giàng! Giàng hãy cho mưa xuống - mưa hạt nhỏ cây bắp trổ, mưa hạt lớn lúa nảy cây/ Cho măng mía, măng tre mọc nhiều/ Cho lúa bắp trên rẫy tươi tốt/ Để cây lúa bén rễ/ Để lúa dưới đất trồi lên.../ Hỡi ông Núi - bà Non/ Hỡi ông Coông - bà Ch’ơ/ Hãy nghe Giàng đổ nước... Lời khấn của già Y Cái (101 tuổi) ở buôn Hố Hầm, xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa) vọng khắp buôn làng.

Kết thúc bài khấn, già Y Cái ra hiệu cho dân làng nổi nhạc. Tiếng trống, tiếng cồng chiêng hòa vào nhau. Các chàng trai, cô gái phấn khởi nhảy điệu xoang, bà con dân làng cùng nhau nâng chén rượu ché và trao đổi chuyện nương rẫy, chăn nuôi, chúc mừng mạnh đôi vai, khỏe đôi chân để làm ra nhiều lúa, bắp, sắn khoai...

Lễ cúng cầu mưa là một trong những phong tục lâu đời của đồng bào Chăm. Người dân ở buôn Hố Hầm thường tổ chức cúng cầu mưa vào ngày 16/2 âm lịch. Lễ cúng chỉ được tiến hành khi người lớn tuổi nhất buôn làng hay còn gọi là già làng đứng ra tổ chức và khấn vái. Vì vậy, lễ cúng cầu mưa diễn ra trang nghiêm, với sự kính trọng và tôn thờ của người dân, được xem như là ngày hội lớn của buôn làng.

“Lễ vật là phần không thể thiếu trong các lễ cúng tế. Cúng cầu mưa được xem là lễ quan trọng của đồng bào Chăm. Ở lễ cúng này, lễ vật là một con heo để cầu mưa thuận gió hòa, phù hộ người dân mạnh khỏe, tai qua nạn khỏi, mùa màng tốt tươi, đầy đủ mè, lúa bắp...”, già Y Cái cho biết.

Cũng giống như đồng bào Chăm ở buôn Hố Hầm, những lễ vật trong lễ cúng cầu mưa của đồng bào Chăm ở huyện miền núi Sơn Hòa cũng do bà con trong làng tự nguyện đóng góp. Tuy nhiên, lễ cúng cầu mưa của đồng bào Chăm huyện Sơn Hòa thường diễn ra vào tháng 6, 7 âm lịch. Lễ vật, văn tế cầu mưa cũng được thay đổi phù hợp với từng địa phương.

“Lễ vật gồm: một con heo, rượu từ 5-7 ché, trầu cau, muối, gạo, nước cúng lấy từ sông, suối, được bày dưới cây nêu có trang trí hoa văn bằng mây sợi, tre trúc... Lễ cầu mưa tiến hành vào buổi sáng, tại một bến nước sông suối ở buôn làng. Gia đình nào có điều kiện họ cũng có thể tổ chức lễ cúng cầu mưa tại gia đình. Chủ tế lễ mặc y phục truyền thống, bà con dân làng tập trung đông đủ”, ông Ma Y ở xã Phước Tân (huyện Sơn Hòa) nói.

Ông Nay Sơn (Oi Đam) năm nay 90 tuổi ở buôn Ma Đao, xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa), cho biết thêm: Văn tế cúng cầu mưa không có biên soạn ra giấy tờ, già làng thuộc trong cái bụng. Bài cúng này cha tôi truyền lại khi tôi vừa làm lễ mừng tuổi trưởng thành, khoảng 20 tuổi.

Tóm tắt nội dung nó như thế này: Ơ Giàng ơi! Mấy tháng liền trời không mưa, ruộng nương nứt đất, cây lúa, cây bắp lá vàng héo úa, đêm đêm không còn nghe con ếch, con nhái nó kêu, không còn nghe tiếng thác đổ ở con suối đầu làng. Ơ Giàng ơi, và các đấng thần ơi! Hôm nay, dân làng tế lễ cầu mong Giàng và thần linh sông, suối độ trì cho nước trên trời đổ xuống thành cơn mưa để dân làng có nước ăn, nước uống, cho con bò có cỏ ăn no, cho cây sắn nhiều củ, bắp trái to, lúa nhiều hạt, dưa trái nhiều như đá cuội…

“Hàng năm, đồng bào Chăm chúng tôi vẫn tổ chức lễ cúng cầu mưa với mong ước mưa thuận, gió hòa, cây trái, lúa, bắp… được mùa để cho dân làng có cuộc sống đủ đầy. Đặc biệt trong những năm thời tiết nắng hạn thì việc tổ chức cúng cầu mưa rất quan trọng, không thể thiếu đối với đồng bào Chăm”, ông Ma Toa, Bí thư Chi bộ, Trưởng buôn Ma Đao nói.

Còn theo ông Nguyễn Thành Sơn, Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Phú Hòa, buôn Hố Hầm cách trung tâm huyện Phú Hòa khoảng 20km về phía tây, hiện có hơn 100 hộ đồng bào Chăm sinh sống. Bà con đồng bào ở đây chủ yếu sống bằng nông nghiệp, làm ruộng rẫy và nhờ vào nguồn nước trời là chính. Một nét văn hóa tín ngưỡng đã có từ lâu đời với đồng bào Chăm nơi đây đó chính là tinh thần tự nguyện đóng góp lễ vật, cùng nhau tổ chức lễ hội cúng cầu mưa vào ngày 16/2 âm lịch hàng năm.

Đến nay, người Chăm Phú Yên vẫn còn lưu giữ được nét độc đáo của lễ cúng cầu mưa, một phần trong văn hóa tinh thần không thể thiếu của người Chăm nơi đây. Đây cũng là dịp để bà con người Chăm trong buôn làng gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi; bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng, góp phần làm phong phú nền văn hóa tín ngưỡng của đồng bào Chăm Phú Yên và văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên Nguyễn Ngọc Thái

THIÊN LÝ - LÊ KHA

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/224628/net-dep-le-cung-cau-mua-cua-dong-bao-cham.html