Nét xưa sót lại ở làng Cổ Định

Ghé thăm làng Cổ Định (thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn) những ngày này dễ nhận ra cùng với sự phát triển của làng quê, vẫn còn đó những nếp xưa cổ kính, rêu phong.

Ngôi làng xưa kia có tên gọi là Cổ Định, về sau đổi thành xã Tân Ninh và là thị trấn Nưa ngày nay. Tuy nhiên, khi nhắc tới vùng đất linh thiêng, lịch sử này, cái tên người ta vẫn nhắc đến đó là làng cổ Định. Làng cách trung tâm TP Thanh Hóa gần 20 km.

Ở đây, điều đặc biệt đầu tiên mà du khách cảm nhận chính là ngôn ngữ của người dân khá khác biệt, mang nặng âm hưởng của người Việt cổ. Cũng bởi những đặc trưng ngôn ngữ đó, nhiều người ví von có một “làng nước ngoài” dưới dãy ngàn Nưa.

Những cây cầu cũ bắc qua sông Nhà Lê uốn lượn chạy dọc qua làng. Con sông đã bao đời miệt mài tiêu thủy và cung cấp nguồn nước tưới cho dân làng.

Theo thống kê, làng cổ Định còn khoảng gần 40 ngôi nhà có tuổi đời gần 100 năm. Nhiều căn nhà đã xuống cấp nhưng chưa được trùng tu.

Người dân Cổ Định cho biết, đã có nhiều “đại gia” từ nơi khác đến làng ngỏ ý muốn mua lại những căn nhà cổ, tuy nhiên người dân nơi đây một mực khước từ với quan niệm “còn người thì phải còn nhà”.

Cùng với sự phát triển khi khoác lên mình tấm “áo mới” của một thị trần khang trang, đâu đó trong những con ngõ nhỏ, chúng ta vẫn bắt gặp hình ảnh của những nếp nhà cấp 4 cổ kính nép mình dưới những gốc nhãn cổ thụ.

Một góc đình làng Đài.

Bên cạnh cây đa, mái đình thì giếng làng vẫn được lưu giữ như nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của dân làng.

Ngoài quần thể di tích lịch sử danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia đền Nưa - Am tiên, du khách khi đến với vùng đất linh thiêng này còn có thể ghé thăm, chiêm bái Nghè Giáp cổ kính. Đây là một trong 9 di tích được xếp hạng di tích văn hóa cấp tỉnh ở làng.

Hàng cây di sản có tuổi đời trăm năm được người dân lưu giữ, bảo vệ

Những gốc cây có đường kinh nhiều người ôm.

Sơn Đình

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/diem-den-xu-thanh/net-xua-sot-lai-o-lang-co-dinh/22452.htm