Nêu cao tinh thần trách nhiệm, dân tin tưởng và hài lòng
Tiếp tục chương trình giám sát của Thường trực HĐND tỉnh đối với công tác Cải cách hành chính (CCHC) trong lĩnh vực hộ tịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau, ngày 31/10, đồng chí Lê Thị Nhung, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh có buổi làm việc với UBND huyện Năm Căn về công tác này.
Cùng tham gia với đoàn giám sát còn có đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Pháp chế, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Tư pháp.
Đoàn giám sát đã khảo sát thực tế tại Bộ phận Một cửa thị trấn Năm Căn và Bộ phận Một cửa, Phòng Tư pháp của huyện và sau đó làm việc với UBND huyện, Chủ tịch UBND cấp xã, Công chức hộ tịch và các đơn vị có liên quan.
Theo đánh giá chung của UBND huyện Năm Căn, từ khi Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành có hiệu lực đã góp phần quan trọng trong việc đăng ký hộ tịch tại địa phương, giúp công chức đăng ký hộ tịch giải quyết yêu cầu cho công dân nhanh chóng, khách quan, kịp thời. Trình tự thủ tục đăng ký hộ tịch được cắt giảm, đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký hộ tịch và xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đem lại nhiều thuận lợi, hạn chế sai sót trong việc đăng ký và quản lý hộ tịch, giảm thời gian thao tác, thuận tiện cho việc tra cứu, thống kê hộ tịch. Từ đó, công tác giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến hộ tịch trên địa bàn huyện đảm bảo thống nhất, đồng bộ và hiệu quả.
Thực hiện Kế hoach số 88/KH-STP ngày 21/9/2023 của Giám đốc Sở Tư pháp triển khai dự án “Thực hiện số hóa Sổ hộ tịch lịch sử trên địa bàn tỉnh Cà Mau”; ngày 4/10/2023, UBND huyện ban hành Quyết định số 111/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ điều hành Dự án số hóa Sổ hộ tịch lịch sử trên địa bàn huyện Năm Căn với 22 thành viên, tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện triển khai thực hiện dự án số hóa sổ hộ tịch trên địa bàn... Kết quả, được Sở Tư pháp, Chủ đầu tư nghiệm thu, công chức Tư pháp – Hộ tịch phối hợp với đơn vị thi công đưa lên phần mềm hộ tịch dùng chung 60.660 trường hợp. Đối với những trường hợp chưa thể thực hiện số hóa, tiếp tục chỉ đạo công chức khi tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn những người có liên quan (người đăng ký hộ tịch, người được đăng ký hộ tịch) khi nhu cầu thực hiện lại các thủ tục giấy tờ về hộ tịch, cải chính theo quy trình hồ sơ hộ tịch khi họ có yêu cầu đúng quy định pháp luật, lưu giữ lại, khi có chỉ đạo của Sở Tư pháp cung cấp thông tin để số hóa. Việc thực hiện đăng ký thủ tục hành chính liên quan đến hộ tịch một phần và toàn trình được thực hiện theo quy định, khi công chức tiếp nhận hồ sơ đều thực hiện trực tuyến trên môi trường mạng. Tỷ lệ người dân thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đạt tỷ lệ 100% so với kế hoạch.
Bên cạnh những thuận lợi, địa phương cũng gặp phải một số khó khăn, đề xuất cấp trên hỗ trợ, tháo gỡ. Cụ thể như: hiện nay, công chức sử dụng nhiều phần mềm và thường xuyên thay đổi vị trí công tác, nên phải hướng dẫn quy trình thực hiện lại từ đầu, đề nghị cấp, hủy tài khoản nhiều lần. Công chức một số đơn vị cấp xã trình độ công nghệ thông tin còn hạn chế, khi áp dụng gặp rất nhiều khó khăn. Các thủ tục hành chính lĩnh vực hộ tịch thực hiện nộp trực tuyến, nhưng phần lớn người dân không thể tự mình thực hiện, công chức tiếp nhận làm thay, nên mất rất nhiều thời gian; có một số trường hợp chưa có tài khoản định danh điện tử, không có điện thoại thông minh, nên không thực hiện được, gây khó khăn cho công chức và người dân. Các thủ tục về đăng ký hộ tịch tại huyện như: khai sinh, khai tử, bổ sung hộ tịch, ghi vào sổ hộ tịch khác của công dân Việt Nam đã giải quyết ở nước ngoài (khai sinh, giám hộ, nhận cha mẹ con, xác định cha mẹ con, nuôi con nuôi, khai tử, thay đổi hộ tịch…) được quy định, nhận và trả kết quả ngay trong ngày, thời gian ngắn, dễ dẫn đến trễ hạn.
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Lê Thị Nhung ghi nhận những kết quả nổi bật của huyện trong thực hiện cải cách hành chính ở lĩnh vực hộ tịch, đã thực hiện số hóa Sổ hộ tịch, không để xảy ra khiếu nại trong quá trình giải quyết các thủ tục liên quan đến hộ tịch…Đồng thời, trên cơ sở những khó khăn của địa phương, bà Lê Thị Nhung đề nghị các ngành chuyên môn cần quan tâm, tăng cường tập huấn, đào tạo chuyên sâu, giúp cán bộ phụ trách công tác hộ tịch thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần giải quyết tốt nhiệm vụ CCHC trong công tác hộ tịch. Quan tâm sắp xếp bộ máy phù hợp, có thời gian ổn định lâu dài, cán bộ phụ trách thực hiện tốt thì tiếp tục tạo điều kiện để họ phát huy; đồng thời củng cố và phát huy vai trò Tổ công nghệ số cộng đồng, hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục hành chính tại ấp, khóm; công chức Tư pháp phụ trách lĩnh vực hộ tịch nâng cao tinh thần trách nhiệm và hiệu quả trong quá trình giải quyết công việc, đảm bảo niềm tin của người dân…