Nga công bố 'Học thuyết Monroe'

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm sáng tỏ mọi sự mơ hồ về cách Moscow sẽ phản ứng với bất kỳ mối đe dọa mới nổi lên gần biên giới của nước này. Ngày 26/9, Tổng thống Putin thông báo về việc cập nhật các nguyên tắc cơ bản trong chính sách quốc gia của Liên bang Nga về răn đe hạt nhân.

Văn kiện sửa đổi này ám chỉ rằng, trong một số điều kiện nhất định, Moscow có thể xem một cuộc chiến ủy nhiệm chống lại nước này là lý do chính đáng để sử dụng vũ khí hạt nhân.

“Chiến thuật Salami”

Các học thuyết răn đe hạt nhân truyền thống có từ thời Chiến tranh Lạnh và được xây dựng hướng tới các cường quốc và liên minh quân sự lớn trên thế giới. Giả định chính ở đây là các quốc gia lớn khó có thể tấn công một cường quốc hạt nhân vì họ có nguy cơ phải đối mặt với một cuộc phản công hủy diệt. Bản cập nhật học thuyết hạt nhân của Nga được đề xuất trong tuần này đã được báo trước khá lâu.

Tổng thống Putin chủ trì cuộc họp của Hội đồng an ninh về răn đe hạt nhân tại Điện Kremlin, Moscow.

Tổng thống Putin chủ trì cuộc họp của Hội đồng an ninh về răn đe hạt nhân tại Điện Kremlin, Moscow.

Theo Tổng thống Vladimir Putin, nó đã được chuẩn bị trong ít nhất vài tháng và có thể còn lâu hơn nữa. Chất xúc tác tất nhiên là việc Ukraine mở rộng cả danh sách vũ khí phương Tây mà họ sử dụng và khu vực các hoạt động quân sự chống lại Nga. Rõ ràng, dựa trên những kinh nghiệm này, giới lãnh đạo nước Nga đã quyết định tinh chỉnh các văn bản học thuyết của mình và đảm bảo chúng phản ánh tất cả các mối đe dọa trước đây được coi là không đáng kể, nhưng giờ đã trở nên nổi bật.

Xung đột ở Ukraine đã tạo ra một thực tế mới và chưa từng có tiền lệ: Các nước phương Tây đang tiến hành cuộc chiến chống lại Nga thông qua một quốc gia ủy nhiệm, trong khi quốc gia này lại chưa quan tâm đến hành động tự vệ, ít nhất là đến thời điểm hiện tại.

Kiev đang tích cực tấn công vào các vùng lãnh thổ lịch sử của Nga. Những sự kiện lần đầu tiên xảy ra kể từ Thế chiến II liên tục xuất hiện trên các bản tin: Ví dụ, một trung tâm khu vực ở Nga bị pháo kích, các cơ sở quân sự bị tấn công ở vùng Volga hoặc Kuban, hoặc xe tăng do Đức sản xuất vượt biên vào khu vực Kursk. Cũng có tin đồn về các cuộc tấn công vào các địa điểm của lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga. Thậm chí, có tin đồn về các cuộc tấn công vào các cơ sở của lực lượng hạt nhân chiến lược Nga. Hành động gây hấn như vậy chính thức được xem là yếu tố để kích hoạt phản ứng hạt nhân.

Dù những tin đồn này có đúng hay không thì hành vi này hoàn toàn phù hợp với logic của Kiev và các nhà tài trợ phương Tây. Mục tiêu là sử dụng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái riêng lẻ do lực lượng ủy nhiệm thực hiện nhằm làm suy yếu học thuyết hạt nhân của Nga - hay nói theo thuật ngữ công nghệ thông tin, để “hack” nó bằng cách khai thác điểm yếu mới phát hiện.

Rốt cuộc, liệu Tổng thống Putin có thực sự khởi động một cuộc chiến tranh hạt nhân chỉ vì một chiếc máy bay không người lái rơi gần căn cứ máy bay ném bom chiến lược không? Còn 2 chiếc hay 10 chiếc thì sao? Hay, có thể là vài chiếc máy bay không người lái kết hợp với một tên lửa hành trình do phương Tây sản xuất? Đây chính là ví dụ điển hình của chiến thuật Salami: Từng bước gây áp lực lên đối phương, buộc họ phải thay đổi vị thế chiến lược mà không cho họ có đủ lý do để triển khai lực lượng chính (trong trường hợp của Nga là lực lượng hạt nhân).

Giữ vững giới hạn

Lằn ranh đỏ thực sự duy nhất giữa Nga và phương Tây - cụ thể là giữa Moscow và Washington - là thứ sẽ buộc một bên phải leo thang xung đột một cách đáng kể. Hiện tại, cả Điện Kremlin và Nhà Trắng đều tuân thủ chiến lược chiến tranh hạn chế. Tại sao? Bởi vì Nga không thể tự bắn vào chân mình chỉ vì Ukraine, và tương tự, phương Tây không muốn tự đánh bom mình vì Nga. Bất kỳ sự leo thang đáng kể nào cũng có thể dẫn đến hậu quả khó lường, ngay cả khi không sử dụng vũ khí hạt nhân.

Lính Nga gác lối vào nhà máy thủy điện Kakhovka Hydroelectric bên bờ sông Dnieper thuộc địa phận Kherson, miền Nam Ukraine.

Lính Nga gác lối vào nhà máy thủy điện Kakhovka Hydroelectric bên bờ sông Dnieper thuộc địa phận Kherson, miền Nam Ukraine.

Cả Nga và Mỹ đều không mong muốn leo thang xung đột. Thay vào đó, cả hai đều muốn giữ xung đột trong ranh giới hiện tại. Giống như trong câu chuyện ngụ ngôn về con rắn và con rùa: Nếu một bên hành động đột ngột, bên kia buộc phải đáp trả, điều này có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc.

Đối với Nga, leo thang có nghĩa là huy động mọi nguồn lực, một tình huống đầy rẫy nguy hiểm cho quốc gia này. Đối với phương Tây, leo thang có nghĩa là can thiệp trực tiếp, không có gì đảm bảo thành công và có nguy cơ cao phải chịu tổn thất nặng nề hoặc thậm chí là một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Hiện tại, Nga đang áp dụng chiến tranh tiêu hao đối với kẻ thù của họ. Rõ ràng, Điện Kremlin tin rằng chiến lược này có nhiều cơ hội thành công hơn. Mỹ dường như hiểu được điều này và muốn phá vỡ kế hoạch của Điện Kremlin bằng cách tăng chi phí, nhưng vẫn giữ mọi thứ trong ranh giới hiện tại. Đây là lý do họ sử dụng chiến thuật Salami.

Một số chuyên gia tin rằng lệnh cấm các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa vào sâu trong lãnh thổ Nga là thỏa thuận thực sự duy nhất tồn tại giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Không phải những cuộc tấn công đó sẽ thay đổi tình hình một cách đáng kể, mà đây là một tiêu chuẩn, một điểm tham chiếu mà cả hai bên ít nhiều đều hiểu được. Nếu bạn cố gắng phá hủy chúng tôi bằng lực lượng ủy nhiệm, chúng tôi sẽ đánh đổ cả lực lượng ủy nhiệm và bạn.

Tuy nhiên, những thay đổi sắp xảy ra ở Nhà Trắng. Nếu các thỏa thuận nói trên thực sự tồn tại, Điện Kremlin không thể chắc chắn rằng chính quyền tiếp theo sẽ tuân theo chúng. Đây là lý do tại sao Nga cần gửi một tín hiệu rõ ràng tới các nước phương Tây và toàn thế giới về tình hình hiện tại và cách Nga sẽ phản ứng trước các hành động khác nhau của phương Tây.

Thứ nhất, Moscow sẽ không xem xét việc sử dụng vũ khí hạt nhân miễn là họ giữ được thế chủ động quân sự. Vì vậy, khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân phụ thuộc vào thành công quân sự: Nếu không thể giành chiến thắng bằng các biện pháp thông thường thì một cuộc tấn công hạt nhân sẽ trở thành lựa chọn.

Thứ hai, vì lý do này, đối thủ chính của Nga là Mỹ sẽ không thể trực tiếp tiến hành chiến tranh chống lại Nga và không thể vũ trang cho quốc gia ủy nhiệm đến mức có thể thay đổi cục diện xung đột. Do đó, Mỹ phải đứng ngoài cuộc, theo dõi quốc gia ủy nhiệm này dần thua cuộc. Về vấn đề này, răn đe hạt nhân hiện đang có hiệu quả đối với Mỹ và phương Tây, ít nhất là cho đến khi chính quyền ở Washington thay đổi. Học thuyết mới của ông Putin đóng vai trò như một thông điệp và lời cảnh báo cho người kế nhiệm chính quyền Tổng thống Biden.

Thứ ba, quốc gia ủy nhiệm (Ukraine) đang cố gắng tìm ra điểm yếu của Nga và giáng một đòn đau đớn. Khi tình hình ở mặt trận trở nên tồi tệ hơn đối với các lực lượng Ukraine, họ có thể dùng đến các biện pháp cực đoan hơn, chẳng hạn như tấn công các địa điểm triển khai tên lửa chiến lược. Những hành động này có khả năng có hiệu quả. Liệu điều này có kích động phản ứng hạt nhân từ Nga không? Gần như chắc chắn là không. Điện Kremlin không cân nhắc đến một cuộc tấn công hạt nhân vào Ukraine. Tại sao không? Bởi vì Ukraine không gây ra mối đe dọa đủ lớn để biện minh cho việc bắt đầu một cuộc chiến tranh hạt nhân. Nga có thể xử lý Ukraine thông qua các biện pháp chiến tranh thông thường. Và, mặc dù một số sự kiện có thể khá đau đớn, nhưng chúng không đủ để thay đổi thực tế này.

Nhìn chung, học thuyết của ông Putin có thể được tóm tắt như sau: Đối phó với những kẻ thù yếu hơn bằng lực lượng thông thường và sử dụng răn đe hạt nhân để ngăn cản các cường quốc can thiệp theo cách có thể biến những đối thủ yếu hơn này thành mối đe dọa nghiêm trọng. Hay nói một cách đơn giản: Nga sẽ đảm bảo an ninh của nước này theo cách mà họ thấy phù hợp, sử dụng lá chắn hạt nhân để ngăn chặn bất kỳ ai có ý định can thiệp.

Lời cảnh báo đanh thép

Trong khi đó, Ukraine là một ví dụ sống động về số phận sẽ xảy ra với bất kỳ quốc gia nào tiến hành xung đột với Nga: Đất nước này sẽ bị tàn phá, ngành công nghiệp và cơ sở hạ tầng của họ sẽ bị phá hủy. Về phần phương Tây, họ sẽ chỉ đưa ra những lời hứa hỗ trợ suông, nhưng trên thực tế sẽ đẩy quốc gia ủy nhiệm của họ xuống vực thẳm.

Tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân của Nga.

Tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân của Nga.

Một trong những kết quả của chiến dịch quân sự của Nga là sự nhận thức ngày càng tăng trong số các nước láng giềng rằng tìm cách đối đầu với Moscow là một ý tưởng tồi và NATO sẽ không thể bảo vệ họ. Hơn nữa, phương Tây phải nhận ra rằng việc kích động các nước láng giềng của Nga gây chiến với họ có nguy cơ dẫn đến chiến tranh hạt nhân. Đó là một cách tiếp cận mà cựu Tổng thống Mỹ James Monroe chắc chắn sẽ đồng tình.

Phương Tây có một mô hình phát triển tốt để ứng phó với bất kỳ hành động nào của Nga trong lĩnh vực hạt nhân. Về mặt chính thức, họ tuyên bố rằng họ sẽ không bị ảnh hưởng theo bất kỳ cách nào và không có ý định xem xét các cảnh báo của Nga. Nhưng, trên thực tế, chúng ta biết rằng một tuyên bố được đưa ra ở cấp tổng thống luôn có tác động và thường là tác động mạnh mẽ. Điều đáng nhớ là trong cuộc xung đột Ukraine, các lựa chọn khá cấp tiến đã được thảo luận, bao gồm việc tạo ra vùng cấm bay, triển khai quân đội NATO, bố trí các máy bay phản lực chiến đấu có thể hoạt động trên lãnh thổ Ukraine và nhiều hơn nữa. Nhưng, không có điều nào trong số này xảy ra, chính xác là vì phía Nga đã bày tỏ và nêu rõ các lựa chọn rất đau đớn cho phản ứng quân sự của mình. Và, những cảnh báo này đã có hiệu quả.

Đối với phản ứng của các bên không liên quan đến cuộc xung đột của Nga với phương Tây, theo Dmitry Suslov, thành viên Hội đồng Chính sách đối ngoại và quốc phòng Nga, Phó Giám đốc Kinh tế thế giới và Chính trị quốc tế tại Trường Kinh tế Cao cấp Moscow và chuyên gia của Câu lạc bộ Valdai, Trung Quốc, mặc dù có lập trường công khai về việc không được phép sử dụng vũ khí hạt nhân, nhu cầu phi hạt nhân hóa và gần như cấm bom nguyên tử, cũng sẽ hiểu được tình hình mà Nga đang gặp phải. Họ cũng hiểu được nhu cầu tăng cường răn đe, mặc dù họ tuyên bố học thuyết không sử dụng vũ khí hạt nhân trước.

Điều này có nghĩa là Nga phải tăng cường chất lượng công việc của mình với các nước bạn bè về chính sách hạt nhân và thuyết phục các đối tác rằng việc hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân là nhằm mục đích loại bỏ việc sử dụng chúng hoặc ít nhất là giảm nguy cơ của một bước như vậy. Ông Suslov chắc chắn rằng, phần lớn các quốc gia, phần lớn thế giới sẽ hiểu điều này.

Mộc Thạch (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/nga-cong-bo-hoc-thuyet-monroe-i746384/