Nga, Mỹ đấu khẩu nảy lửa về kiểm soát vũ khí

QĐND - Vấn đề kiểm soát vũ khí trở thành chủ đề gây tranh cãi tại phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) diễn ra ở New York ngày 22-8, khi các đại diện của Nga và Mỹ đổ lỗi cho nhau về sự tan vỡ của Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được Mỹ và Liên Xô ký từ năm 1987, đồng thời cáo buộc nhau gây nguy cơ dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Hãng tin AP cho hay, phiên họp khẩn nói trên được triệu tập theo đề nghị của Nga và Trung Quốc trong bối cảnh INF chính thức hết hiệu lực từ ngày 2-8 vừa qua và tiếp đó, Mỹ thực hiện vụ thử tên lửa hành trình thông thường phóng từ mặt đất cách đây ít ngày.

Theo Phó đại sứ Nga tại LHQ Dmitry Polyanskiy, vụ thử tên lửa ngày 19-8 vừa qua của Mỹ chứng tỏ Washington đã sẵn sàng cho một cuộc chạy đua vũ trang. Nhà ngoại giao Nga cũng kêu gọi các quốc gia châu Âu sớm đưa ra hành động cụ thể nhằm ngăn chặn Mỹ triển khai các tên lửa tầm trung tại lục địa già, đồng thời nhấn mạnh Nga sẵn sàng tham gia các cuộc đối thoại nghiêm túc về vấn đề kiểm soát vũ khí trong thời gian tới.

Đáp lại, Phó đại sứ Mỹ tại LHQ Jonathan Cohen giải thích rằng, các cuộc thử nghiệm vũ khí của Mỹ không phải là hành động khiêu khích hay gây mất ổn định. Ông Jonathan Cohen cũng nhấn mạnh việc Nga và Trung Quốc tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự, trong khi Mỹ vẫn quan tâm các hình thức “kiểm soát vũ trang nghiêm túc”.

Phó đại sứ Nga Dmitry Polyanskiy phát biểu tại phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 22-8. Ảnh: Tân Hoa xã

Về phần mình, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Zhang Jun kêu gọi Nga và Mỹ duy trì đối thoại về an ninh chiến lược và các vấn đề giải trừ vũ khí song phương, đồng thời gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START), vốn được coi là văn kiện cuối cùng trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí giữa Moscow và Washington. Mặc dù vậy, Đại sứ Zhang Jun khẳng định Trung Quốc sẽ không tham gia bất kỳ hiệp ước kiểm soát vũ khí 3 bên nào với Nga và Mỹ.

Sau khi Mỹ chính thức rút khỏi INF dẫn tới việc Nga cũng đình chỉ hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng này, ngày 15-8 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lên tiếng cáo buộc Mỹ đang cố phá hủy hệ thống kiểm soát vũ khí nhằm rút khỏi tất cả cam kết quốc tế và cho rằng đây là một bước lùi lớn trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí.

Việc INF bị “khai tử” đang khiến dư luận quốc tế hết sức lo ngại. Trong khi nhiều quốc gia cũng như tổ chức quốc tế kêu gọi Nga và Mỹ đối thoại để tránh một cuộc chạy đua vũ trang mới, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres hối thúc hai cường quốc này khẩn trương tìm kiếm một thỏa thuận theo “cùng một hướng đi mới” nhằm kiểm soát vũ khí. Ông Antonio Guterres cho rằng, “sự ra đi” của INF cũng đồng nghĩa với việc thế giới mất đi một công cụ vô giá nhằm kìm hãm chiến tranh hạt nhân.

Thế nhưng đến nay, triển vọng để Nga và Mỹ đạt được một cơ chế kiểm soát vũ khí mới xem ra vẫn rất mờ mịt. Theo quan điểm của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, cơ chế mới này cần bao gồm cả Trung Quốc. Trong khi đó, Nga tuyên bố nước này sẵn sàng thảo luận các thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới nhưng cần cân nhắc tiềm năng hạt nhân của Pháp và Anh khi thảo luận các thỏa thuận mới về việc kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Ngay cả khả năng gia hạn New START (dự kiến sẽ hết vào đầu năm 2021) cũng vẫn còn bỏ ngỏ. Phía Mỹ đã không ít lần nhắc tới việc không gia hạn hiệp ước này. Theo Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton, New START “vẫn chưa hoàn thiện” vì không bao gồm các vũ khí hạt nhân chiến lược tầm ngắn hay hệ thống phóng mới của Nga. Do đó, thay vì tiếp tục gia hạn hiệp ước này, Nga và Mỹ cần “tập trung vào điều gì tốt hơn”.

ANH VŨ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=79&modid=465&itemid=141741