Nga trang bị ngư lôi Poseidon cho Bắc Cực trong năm nay
Nga vừa công bố kế hoạch trang bị vũ khí cho Hải quân trước khi kết thúc năm 2021, trong đó có siêu ngư lôi hạt nhân Poseidon.
Kế hoạch trang bị được Tổng giám đốc Tập đoàn Đóng tàu Thống nhất (USC) Alexei Rakhmanov cho biết, Hải quân Nga sẽ nhận thêm 7 tàu chiến vào cuối năm 2021, trong đó 4 tàu đóng mới và 3 tàu sau khi sửa chữa .
"Năm nay chúng tôi phải bàn giao 10 tàu cho Hải quân: vào tháng 5, hạm đội đã nhận được tàu ngầm hạt nhân dẫn đầu với tên lửa hành trình thuộc dự án Yasen-M - Kazan. Tháng 8, tàu hỗ trợ hậu cần Vsevolod Bobrov và tàu quét mìn căn cứ Georgy Kurbatov cũng đã được chuyển giao", ông Rakhmanov nói.
Vị tổng giám đốc Nga cho biết thêm: "Đến cuối năm 2021, doanh nghiệp của chúng tôi sẽ hoàn thành việc đóng thêm bốn tàu và sửa chữa ba tàu".
Cũng theo giám đốc của USC, Hải quân Nga sẽ nhận được 3 tàu ngầm hạt nhân vào cuối năm 2021, trong đó có tàu chiến lược Prince Oleg dự án Borey-A, tàu đa năng Novosibirsk dự án Ash-M và tàu ngầm chiến lược Belgorod và cùng ngư lôi hạt nhân Poseidon.
Theo kế hoạch trang bị, Hải quân Nga sẽ ưu tiên trang bị tổng cộng 32 ngư lôi hạt nhân Poseidon cho Hạm đội Phương Bắc và Hạm đội Thái Bình Dương. Những vũ khí này sẽ được khai hỏa từ tàu ngầm hạt nhân Belgorod lớp Khabarovsk.
Từ một số thông tin được Nga tiết lộ cho thấy, Poseidon có chiều dài khoảng 24m, có phạm vi hoạt động lên đến 10.000 km. Poseidon có thể giúp hải quân chống lại các tàu sân bay và các nhóm tàu chiến tại mọi vùng biển cũng như phá hủy cơ sở hạ tầng ven biển của đối phương.
Trong khi đó, truyền thông phương Tây thì phỏng đoán, Poseidon của Nga hiện đang được phát triển sẽ có thể mang một đầu đạn hạt nhân 100Mt để có thể nhấn chìm cả căn cứ hải quân đối phương.
Nói về nguyên nhân khiến Nga ưu tiên Poseidon cho Hạm đội Phương Bắc, truyền thông Nga cho rằng xuất phát từ việc Mỹ tăng cường hoạt động tại Bắc Cực, đặc biệt là động thái đưa tàu sân bay USS Harry S.Truman gần đây, điều máy bay bay săn ngầm và gia cố căn cứ quân sự tại khu vực này.
Nguồn tin từ chính Hải quân Mỹ cho biết, Mỹ đã quyết định chi 1,3 tỷ USD để mở lại sân bay Adak và triển khai P-8A. Đường băng nhỏ nằm trên đảo Adak thuộc chuỗi đảo Aleutian là sân bay cực tây có thể tiếp nhận máy bay chở khách ở Mỹ. Sân bay nhỏ này hiện mỗi tuần đón 2 chuyến bay của hãng Air Alaska.
Có tên gọi đầy đủ là Cơ sở hàng không hải quân Adak, sân bay nhỏ này vận hành thương mại từ khi Hải quân Mỹ rút đi vào năm 1997. Tuy nhiên do hoạt động ngày càng tăng của Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực khiến Mỹ quyết định tăng cường khả năng tuần tra vùng cực Bắc.
"Sân bay có cơ sở nhiên liệu mà Air Alaska hiện dùng để bơm nhiên liệu cho máy bay của hãng. Sân bay cũng có các cơ sở khử băng mà chúng ta có thể dùng để rửa máy bay P-8A bằng nước ngọt", một đại diện của Hải quân Mỹ cho biết.
Vị đại diện này cho biết thêm: "Những người bạn Nga đang khởi động 5 đường băng và 10.000 lính Spetsnaz (ở Bắc Cực) phục vụ hoạt động tìm kiếm, cứu nạn. Trung Quốc cũng tăng cường hiện diện ở đó. Mọi người đều ở đó, vì vậy việc Mỹ tăng cường hiện tại đây là bước đi rất cần thiết tránh để người Nga độc chiếm Bắc Cực".