Ngại đi chợ mùa dịch, người dân tăng mua sắm online

Không chỉ đơn hàng thực phẩm tươi sống, hàng tiêu dùng mà các ngành hàng phục vụ công việc cũng tăng mua sắm online khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội.

Dịch COVID-19 tái bùng phát, sau thông tin giãn cách xã hội trên toàn TP.HCM theo chỉ thị 15 từ 0g ngày 31-5, ghi nhận từ các sàn thương mại điện tử (TMĐT) cho thấy lượng mua hàng trực tuyến có sự tăng trưởng mạnh.

Tăng mua hàng online

Đơn cử theo ghi nhận của sàn TMĐT Sendo, chỉ trong bốn ngày từ 28-5 đến 31-5 ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và mặt hàng y tế, tăng mạnh.

Tiêu biểu, trong khu vực TP.HCM, lượng đơn hàng cho các sản phẩm mì gói tăng 374%, bia, cà phê hòa tan, đồ hộp tăng hơn 3-4 lần.

Trong khi đó, sàn Lazada cho biết so với đợt giãn cách xã hội lần đầu tiên vào đầu tháng 4-2020, mặt hàng khẩu trang, nước sát trùng tay hay các vật dụng bảo hộ vẫn nhận được sự quan tâm lớn từ người tiêu dùng.

"Trải qua ba đợt COVID-19, người dân đã quen mua sắm nhu yếu phẩm qua các kênh online thay vì lo lắng tích trữ hàng hóa quá mức như trước. So với lần giãn cách đầu, các mặt hàng tươi sống và đông lạnh cũng ghi nhận mức tăng trưởng hơn 10 lần. Bên cạnh đó, ngành hàng FMCG ghi nhận mức tăng trưởng gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái" - đại diện Lazada cho biết.

Người dân tăng mua sắm online trong mùa dịch. Ảnh: THU HÀ

Người dân tăng mua sắm online trong mùa dịch. Ảnh: THU HÀ

Còn với sàn TMĐT Tiki, chỉ trong hai ngày cuối tuần vừa qua mức độ tăng trưởng trên toàn sàn đã lên đến 30%.

Đáng chú ý, bên cạnh thực phẩm và FMCG, xu hướng tìm kiếm của người tiêu dùng cũng có dấu hiệu tăng rõ rệt ở các ngành hàng phục vụ cho công việc và hoạt động trong giai đoạn giãn cách xã hội. Ví dụ như nhà cửa và đời sống, mẹ và bé, dụng cụ thể thao, hàng điện tử và phụ kiện, đặc biệt là laptop, máy tính, USB...

Không chỉ có ở các sàn TMĐT, kênh bán lẻ cũng ghi nhận nhiều sự gia tăng đáng kể.

Ông Đặng Thành Phong, Trưởng phòng Truyền thông của Thế Giới Di Động cho biết, chỉ tính hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh tại TP.HCM, đơn hàng tăng gấp 200 lần so với bình thường ở cả kênh mua sắm trực tiếp và trực tuyến (online). Có thời điểm phải giao 11.000-12.000 đơn hàng/ngày sau khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội.

"Tuy nhiên theo kinh nghiệm từ các đợt dịch trước, doanh số bán chỉ tăng vọt trong tuần đầu của thông báo cách ly xã hội tại TP.HCM do tâm lý lo sợ mua hàng tích trữ, về sau sẽ dần ổn định"- ông Phong nói.

Hầu hết các cửa hàng đều khẳng định luôn có đủ nguồn cung, do đó người dân không nên lo lắng và mua sắm quá nhiều vào một thời điểm.

Phía siêu thị Emart (Gò Vấp) cũng liên tục thông báo số lượng đơn hàng đang quá tải, người dùng không thể thực hiện các đơn hàng mới với hình thức mua online.

Tình trạng này cũng được phía tập đoàn Central Group (đơn vị sở hữu siêu thị Go, Tops Market) xác nhận. Đơn vị này cho biết có thời điểm lượng đơn hàng đặt mua ở các chuỗi bán lẻ của các tập đoàn... tăng quá mạnh, dẫn đến ứng dụng bị quá tải. Hệ thống phải tạm đóng gian hàng trong một số thời điểm.

Đơn online tăng mạnh, shipper làm không hết việc

Theo thông tin từ Grab, hiện số lượng đơn hàng GrabFood, dịch vụ gọi đồ ăn giao tận nơi tăng mạnh so với thời điểm trước ngày 30-5. Dịch vụ đi chợ hộ GrabMart có sự tăng trưởng đơn hàng đột biến trong những ngày qua.

Theo đó, những shipper (tài xế giao hàng) cũng trở nên bận rộn hơn. Anh Đình Cường, một tài xế công nghệ cho biết: "Tôi giao hàng không kịp ăn trưa. Không chỉ giao đồ ăn, nước uống mà nhu cầu đi chợ hộ cũng tăng vọt, nhất là các khu cách ly như Gò Vấp, quận 3, quận 7".

Vào thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp này cũng triển khai các biện pháp an toàn cho vấn đề giao nhận.

Chia sẻ với PLO, Bà Ngô Thị Trúc Anh, Giám đốc Bộ phận vận chuyển Lazada Việt Nam, thông tin phía doanh nghiệp đã triển khai việc giao hàng không tiếp xúc, đẩy mạnh việc thanh toán thông qua các kênh gián tiếp như trả trước qua thẻ hoặc ví điện tử.

"Riêng các khách hàng tại khu vực giãn cách theo chỉ thị 16, Lazada khuyến khích đặt hàng từ các nhà bán hàng cùng khu vực để việc vận chuyển được thuận tiện và nhanh hơn. Thêm vào đó, chúng tôi cũng khuyến khích khách hàng sử dụng việc thanh toán trước để việc giao hàng có thể diễn ra thuận lợi và nhanh chóng nhất" - bà Trúc Anh thông tin

Giao hàng không tiếp xúc. Ảnh: T.H

Giao hàng không tiếp xúc. Ảnh: T.H

Hiện doanh nghiệp này cũng triển khai lễ hội mua sắm hè từ ngày 6-6 nhằm kích cầu mua sắm trực tuyến và tái kích hoạt gói "Kích cầu Kinh tế" lên đến 10 tỉ đồng nhằm hỗ trợ 100,000 nhà bán hàng mới vượt qua khó khăn của đại dịch.

Trong khi đó, tại Tiki, doanh nghiệp này cũng thành lập Tổ an toàn Covid-19 tại tất cả kho hàng trên toàn quốc nhằm hướng dẫn và giám sát tình hình sức khỏe người lao động tại từng cơ sở.

Đồng thời đưa ra các yêu cầu 5K của Bộ Y tế đối với người giao hàng để tránh rủi ro, đảm bảo an toàn mùa dịch.

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/ngai-di-cho-mua-dich-nguoi-dan-tang-mua-sam-online-989702.html