Ngâm mình dưới nước nhiều giờ đồng hồ mưu sinh bằng nghề cào hến

có thêm chút tiền trang trải cuộc sống, hàng chục hộ dân ở xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện (Gia Lai) đã ngâm mình dưới nước nhiều giờ đồng hồ, cặm cụi cào hến.

Đến hẹn lại lên, mùa này chỉ cần đi dọc kênh thủy lợi thuộc xã Ayun Hạ có thể thấy hàng chục hộ dân người đang cào hến, bắt ốc mưu sinh. Người già có, trẻ nhỏ có, hàng chục người chen nhau trong đoạn kênh ngắn chưa đầy 50 mét ở làng Thanh Thượng ở xã Ayun Hạ chỉ mong kiếm thêm chút tiền trang trải cuộc sống.

X

Bà Trần Thị Linh (trú làng Ring, xã Ayun Hạ) năm nay đã 62 tuổi song cả ngày vẫn phải kéo lê bàn cào để bới hến, ngụp lặn cả ngày dưới kênh để cào hến mưu sinh.

Để có kiếm thêm thu nhập, hàng chục hộ dân đã ngâm mình trong nước cả ngày để cào hến

Tâm sự với chúng tôi, bà Linh bộc bạch: "Do nhiều người cào nên hến ngày càng ít, phải đi xa mới có. Nhiều hôm tôi đi bộ mất cả giờ đồng hồ mới tới địa điểm cào nhưng kéo lên chỉ toàn đá chứ hến chẳng được bao nhiêu. Nhìn thì có vẻ bắt hến là việc tưởng chừng đơn giản nhưng thực ra rất vất vả vì đòi hỏi người cào phải có sức khỏe dẻo dai. Đồng thời, người đi cào phải vừa chịu được cái lạnh khi phải ngâm mình dưới nước cả ngày hay phải chịu, chấp nhận cháy, rát lưng và mặt khi trời nắng”.

Dù công việc khá vất vả, bản thân đã có tuổi nhưng bà Linh vẫn cố bám vì mùa này nông nhàn. Lúa mới thu hoạch nên ngày nào bà cũng xuống kênh mương cào hến kiếm thêm thu nhập trang trại cuộc sống.

Đầu mùa giá hến cao, dao động 10.000-12.000 đồng/kg. Tuy nhiên càng về sau giá hến càng giảm mạnh, chỉ còn khoảng 5.000-7.000 đồng/kg

Những hôm gặp may, gặp đúng nơi ở của hến bà có thể cào được 30kg/ngày, nhưng có hôm chỉ 5-6kg. Với số lượng đó, bà cũng kiếm được 100.000-200.000 đồng/ngày.

Tương tự chị Siu H\'Hiên, (năm nay mới 27 tuổi) nhưng chị đã có hơn 10 năm với nghề cào hến. Theo chị Hiên, mương mùa này cạn, nước trong nên dễ bắt hến. Ở Ayun Hạ, hến được nhiều người ưa chuộng vì vị ngon, ngọt mà không tanh mùi bùn. Thời điểm này là lúc nông nhàn nên mọi người thường tập trung về đây để cào hến.

Dụng cụ cào hến có 3 thứ gồm, rổ nhựa, bàn cào và chiếc gùi. Bàn cào được thiết kế là một thanh sắt dài cỡ 5 tấc, có nhiều que nhọn như cái lược chải đầu. Nếu không chuyên thì sử dụng rổ, nia để cào, còn hành nghề chuyên nghiệp thì mua một đoạn sắt phi 14 uốn lại thành hình chữ nhật (lớn, nhỏ tùy ý người sử dụng) làm miệng.

Dù khá vất vả nhưng nhiều người dân vẫn chọn cào, bắt hến để mong kiếm thêm thu nhập những lúc nông nhàn

Theo chị Hiên, muốn bắt được hến phải miết mạnh cào xuống và kéo giật lùi khoảng 3m rồi nhấc lên, xóc cho rời hết cát và đá nhỏ. Sau đó, đổ ra rổ đãi, chọn lấy hến bỏ vào gùi. Công việc cứ thế tiếp diễn cả ngày, chẳng lúc nào ngơi tay.

“Công việc cào hến bắt đầu từ 6h-18h hàng ngày, vì thế nếu muốn theo nghề này cần phải ngâm trong nước nhiều giờ đồng hồ. Trung bình 1 ngày, các chị em trong xóm mình cào được khoảng 80-90kg. Đầu mùa giá hến cao, dao động 10.000-12.000 đồng/kg, chị em còn có thu nhập ổn định. Tuy nhiên càng về sau giá hến càng giảm mạnh, chỉ còn khoảng 5.000-7.000 đồng/kg, chia ra cũng chẳng được bao nhiêu”, chị Hiên bộc bạch.

Dù biết nghề cào hến khá vất vả, ngâm mình cả ngày dưới nước, tuy nhiên đây lại là nghề kiếm sống không cần bỏ vốn, chỉ cần bỏ công đãi rồi đem về làng sẽ có người tới thu mua. Chính vì vậy, hàng chục năm qua người dân nơi đây vẫn gắn bó từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Trần Hiền

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ngam-minh-duoi-nuoc-nhieu-gio-dong-ho-muu-sinh-bang-nghe-cao-hen-post197099.html